Nhớ bánh tráng Quảng

Nhớ bánh tráng Quảng

BT- Về quê lên, quà bạn mang đi biếu cho từng người là những “ràng” bánh tráng có màu trắng tinh, không dày, không mỏng. Đưa ai, bạn cũng đều luôn miệng dặn dò, đây là bánh tráng Đại Lộc - đặc sản xứ Quảng, được người nhà của bạn làm bằng gạo nguyên chất hoàn toàn không pha, không trộn, nhớ giữ mà ăn.

Bánh tráng ở Đại Lộc từ xưa đến nay đã trở thành thương hiệu của người dân đất Quảng.

Đại Lộc là một huyện nằm ở phía Bắc Quảng Nam. Người dân nơi đây sống với nghề trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông, dệt vải và đặc biệt là nghề làm bánh tráng – tạo nên thương hiệu bánh tráng Đại Lộc nổi tiếng trên thị trường trong nước.

Loại bánh tráng này với tôi không lạ, thân quen nữa là khác, bởi bà tôi vốn là người gốc Quảng. Ngày vào Phan Thiết làm ăn, trong số vật dụng  mang đi  có cái cối xay đá. Bà tôi vốn khéo tay lại chịu thương, chịu khó. Cứ một tháng đôi ba lần, bà mang chiếc cối xay ra chùi rửa cẩn thận để chuẩn bị cho công việc tráng bánh. Bọn trẻ chúng tôi khoái lắm bởi không chỉ có bánh ăn mà còn là dịp nhìn bà thao tác.

Cũng theo bà, để có những tấm bánh ngon, người làm bánh phải nắm vững công thức pha chế bột gạo cũng như  cách thức tráng bánh trên bếp lò.

Bánh tráng Đại Lộc được người Quảng đưa đi khắp nước và trở thành quà tặng quê hương của người gốc Quảng. Tại Đức Linh, Tánh Linh, bánh tráng xứ Quảng khá được ưa chuộng. Nó có mặt trong mâm giỗ, bữa ăn sáng cùng với mì Quảng. Tại Phan Thiết, đôi lần những người bán mì Quảng giới thiệu bánh tráng xứ Quảng với thực khách và lấy làm tự hào là uống nước rồi vẫn còn thơm trong miệng (vì chất liệu hạt mè). Hôm nay cầm ràng bánh tráng người bạn biếu, tôi nhớ bà tôi quay quắt. Nhớ hình ảnh bà ngồi tráng bánh bên bếp lò, nhớ cả cái bóng bà  chạy ra chạy vào phơi bánh trong buổi trưa hè nắng gắt.   

Trinh Thơ