Bảo tồn văn bản lá buông của ngư
Bảo tồn văn bản lá buông của người Chăm
BT- “Di sản lá
buông (Agal Bac) đang trong giai đoạn phân hủy”, đây là kết luận của Tiến sĩ
Trương Văn Món - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí
Minh) sau nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Chăm và các văn bản, ký tự cổ được
viết trên lá buông tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Việc bảo tồn và giữ gìn
các di sản văn hóa này đang là điều cấp thiết nhằm lưu giữ những hiện vật đậm
nét văn hóa của đồng bào Chăm.
|
Văn bản trưng bày ở Trung tâm trưng bày văn
hóa Chăm. |
Gần 15.000 trang
lá buông đang phân hủy
Lá buông, cùng với giấy dó… là một
trong những chất liệu được dùng làm văn bản viết của người Chăm tỉnh Bình Thuận
và Ninh Thuận trước đây. Hiện các văn bản lá buông đang là một kho tàng văn hóa
với sự đa dạng các lĩnh vực như triết học, lịch sử, văn chương, thiên văn, tôn
giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán... và nhiều chủ đề về nhân sinh quan, vũ
trụ quan, lịch pháp, bài kinh cúng lễ đền pháp… được thể hiện bằng các ký tự cổ
như Akhar Yuek, Akhar Tol hay hệ chữ viết Akhar Thrah, viết bằng bút sắt, sau đó
bôi mực (than giã nhỏ) lên chữ sau khi viết. Nhóm nghiên cứu đã sưu tầm và giải
mã khoảng 100 văn bản lá buông Chăm do các chức sắc, tu sĩ Chăm còn lưu giữ ở
Ninh Thuận, Bình Thuận và khoảng 50 văn bản còn lưu giữ ở các bộ sưu tầm cá
nhân, bảo tàng, trung tâm nghiên cứu và thư viện nước ngoài.
Nhưng một thực trạng đáng buồn là
nhiều văn bản lá buông tại thị trấn Phan Rí Cửa, Phú Lạc (Tuy Phong), Ma Lâm
(Hàm Thuận Bắc) đang tự phân hủy, nhiều văn bản khác bị bụi bám, mối mọt, bị
giòn, lủng lỗ li ti và có nhiều đường nứt trên bề mặt. “Các văn bản lá buông
được các gia đình bỏ vào túi vải treo trên trần nhà. Một năm chỉ lấy xuống một
vài lần trong các dịp lễ, tết nên không thường xuyên bảo quản, dẫn đến hiện
tượng mối mọt xuất hiện là điều bình thường”, Nhà nghiên cứu văn hóa Bố Xuân Hổ
(Phan Hiệp - Bắc Bình) chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Trương Văn Món: Tất cả
gần 150 văn bản chúng hóa sưu tầm ở vùng Chăm, mặc dù hình thức còn nguyên vẹn
nhưng chất liệu lá buông đã đến tuổi phân hủy, trong đó có những văn bản cổ được
viết cách đây 300 năm.
Nâng cao nhận
thức của cộng đồng
Theo các chức sắc tôn giáo, các nhà
nghiên cứu, văn bản lá buông Chăm đã thất truyền ít nhất qua 5 đời Po Adhia. Lâu
nay, gần như không còn tu sĩ Chăm nào chế tác được văn bản này. Hầu hết các lá
buông xưa được viết bằng bút sắt, sau đó giã nhỏ than thành mực và bôi lên chữ
viết. Về sau, kỹ thuật này thất truyền, tu sĩ Chăm không tìm được lá buông mới
mà dùng một số trang lá buông cũ do các đời Po Adhia trước để lại, dùng bút lông
đen và bút bi viết lên lá buông.
Việc bảo tồn các văn bản lá buông
của người Chăm là cần thiết, nhưng để bảo tồn 15.000 trang lá buông và hàng
nghìn văn bản khác tại các gia đình là điều không đơn giản. Theo nhà sư Đổng Đại
Việt (Ninh Phước - Ninh Thuận) hiện có 3 cái khó: Một là việc bảo quản các tư
liệu; hai là các tu sĩ đọc kinh không dùng văn bản lá buông truyền thống mà phải
sao chép ra thể kinh bằng chữ phổ thông Akhar Thrah nên dần không đọc được các
ký tự cổ; ba là các dạng chữ viết người Chăm không được phổ biến ở nhiều cấp
học, khiến cho việc giữ gìn các văn bản lá buông không được đề cao.
Việc các nhà quản lý văn hóa và nhà
khoa học thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn cũng là điều nan giải khi nhiều
gia đình người Chăm còn chưa hiểu rõ việc này. Theo ông Lâm Tấn Bình - Giám đốc
Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm: “Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để
đồng bào Chăm hiểu rõ vấn đề, tiến tới thực hiện việc in sao, chụp lại các văn
bản. Các ngành chức năng cần trợ giúp các phương pháp, kỹ thuật bảo quản, góp
phần thực hiện việc bảo quản tại các gia đình”.
Tại buổi tọa đàm khoa học về việc
nghiên cứu, sưu tầm văn bản lá buông của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận
vừa tổ chức tại Bắc Bình đầu tháng 8/2015, nhiều chức sắc tôn giáo, già làng đã
đồng tình về việc bảo tồn văn bản lá buông, trong đó sẽ chú trọng đến công tác
giáo dục và tuyên truyền. Qua đó, đồng bào Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni của 2 địa
phương rất mong được chính quyền các cấp và nhà khoa học có những cơ chế và
chính sách phù hợp để cho người dân hiểu rõ hơn về chủ trương, góp phần bảo tồn,
gìn giữ di sản văn hóa Chăm độc đáo này.
ĐÌNH HẬU