Hướng tới tổ chức các loại hình

Hướng tới tổ chức các loại hình dịch vụ mới tại Đồi cát bay Mũi Né

BT- Xuất phát từ nguyện vọng của tuổi trẻ địa phương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có chủ trương giao Đoàn Thanh niên nghiên cứu, tìm giải pháp quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả Đồi cát bay Mũi Né. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Tiêu Hồng Phúc - Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận để thông tin đến bạn đọc…

Anh Tiêu Hồng Phúc
Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận

Được biết, Tỉnh đoàn Bình Thuận được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng khu Đồi cát bay Mũi Né. Vậy anh có thể thông tin thêm về vấn đề này?

Anh Tiêu Hồng Phúc: Cuối năm 2013, UBND tỉnh đã có văn bản giao Tỉnh đoàn lập đề án quản lý, sử dụng, khai thác KDL Đồi cát bay gắn với mục đích hoạt động của Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại Thanh thiếu nhi Bình Thuận, việc này cũng được báo cáo xin chủ trương Thường vụ Tỉnh ủy. Ngay sau đó trong năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn bắt đầu xúc tiến xây dựng đề án, đồng thời lấy ý kiến các sở ngành liên quan và trình UBND tỉnh. Đến tháng 12/2014, Thường trực Tỉnh ủy chính thức có ý kiến thống nhất giao Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại Thanh thiếu nhi quản lý, sử dụng, khai thác khu du lịch này.

Chủ trương giao cho Đoàn Thanh niên cũng xuất phát từ đề xuất, nguyện vọng của tuổi trẻ địa phương thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Thuận. Do đó việc quản lý, sử dụng, khai thác Đồi cát bay Mũi Né gắn với hoạt động của Trung tâm một mặt sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho đơn vị này duy trì hoạt động, phát triển, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao, mặt khác còn góp phần làm đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch ở địa phương.

Điểm tham quan nêu trên lâu nay vẫn còn nhiều tồn tại và đâu là hướng khắc phục, thưa anh?

Anh Tiêu Hồng Phúc: Theo tôi được biết cho đến hiện giờ, Đồi cát bay Mũi Né vẫn chưa có đơn vị quản lý chính thức, do vậy các hoạt động diễn ra hầu hết mang tính chất tự phát nên còn nhiều vấn đề tồn tại. Như tình trạng vệ sinh môi trường chưa được xử lý tốt, gây mất mỹ quan hay loại hình dịch vụ thiếu phong phú, chưa có sự quản lý về giá cả… Để khắc phục những hạn chế trên là cả quá trình lâu dài và hết sức khó khăn, cần có sự quyết tâm cao với nhiều giải pháp một cách đồng bộ từ quy hoạch đến quản lý. Bên cạnh đó cũng cần phối hợp các ngành chức năng xử lý vấn đề lấn chiếm đất, khai thác cát trái phép và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Đồi cát bay Mũi Né - địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi du lịch Bình Thuận

Theo đề án dự thảo của Tỉnh đoàn, vài năm tới Đồi cát bay Mũi Né sẽ có những dịch vụ gì mới?

Anh Tiêu Hồng Phúc: Đề án đang xây dựng hướng tới tổ chức hoạt động cộng đồng và khai thác các loại hình dịch vụ tại khu Đồi cát bay kết hợp với cơ sở hạ tầng hiện có của Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi Bình Thuận. Trong đó có một số loại hình dịch vụ mới như: Thả diều, nhảy dù, trượt cát sẽ được cải tiến về mặt hình thức hoặc máng trượt di động, đu văng, chạy xe ô tô địa hình, các trò chơi dân gian, hoạt động lễ hội…

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, theo anh tuổi trẻ địa phương cần tham gia và thể hiện vai trò như thế nào?

Anh Tiêu Hồng Phúc: Đối với tuổi trẻ địa phương thì cần nỗ lực tham gia tuyên truyền đến bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bình Thuận bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn như tăng cường giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, danh lam, thắng cảnh, nét đặc sắc về văn hóa, truyền thống của đất và con người Bình Thuận… Tiếp nữa là quan tâm xây dựng phong cách hiếu khách, gần gũi, thân thiện và ứng xử văn hóa cũng như đi đầu tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường du lịch, kể cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội… Đồng thời, tích cực tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền về vấn đề phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch địa phương.

Xin cảm ơn anh!

QUỐC TÍN (Thực hiện)