Rùa biển trở lại hòn cau

Rùa biển trở lại Hòn Cau

BTO- Rùa biển đóng vai trò cực kì quan trọng đối với hệ sinh thái biển và ven bờ. Tuy nhiên, ngày nay việc khai thác biển quá mức của con người đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như việc sinh sản của loài rùa biển. Rùa biển có tất cả 7 loài thì đến 6 loài đều nằm trong danh mục cần được bảo vệ, cấm săn bắt và buôn bán. Rùa biển được coi là loài được ưu tiên bảo vệ của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF). Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã chung tay với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn rùa biển cũng như nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ loài động vật đang bị đe dọa này. Rùa biển tuy có khả năng sinh sản lớn nhưng số rùa con sinh ra sống sót được đến khi trưởng thành lại rất ít do các tác động từ tự nhiên cũng như từ con người.

Đảo Hòn Cau hay còn gọi là Cù Lao Câu (Tuy Phong, Bình Thuận) từ lâu cũng là một trong những bãi sinh sản của rùa biển. Trước đây rùa biển xuất hiện sinh sản với tần suất rất thường xuyên nhưng mấy năm trở lại đây do việc khai thác biển quá mức đã làm ảnh hưởng đến việc sinh sống cũng như sinh sản của rùa biển, người ta thấy rùa biển lên ít hẳn. Từ năm 2011 UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập KBTB (Khu bảo tồn biển) Hòn Cau, trong 4 năm hoạt động cán bộ KBTB Hòn Cau đã làm việc hiệu quả và giúp rùa biển có thể lên đẻ trở lại.

Năm 2013 đội tuần tra KBTB Hòn Cau bằng nghiệp vụ của mình đã bảo vệ thành công ổ trứng rùa 154 trứng, nở được 108 rùa con. Tháng 4 năm 2015 bảo vệ thành công tiếp 3 trong số 10 ổ trứng do rùa biển lên đẻ. Mới đây, ngày 1/6/2015 cán bộ KBTB Hòn Cau lại tiếp tục bảo vệ thành công 74 trứng rùa, sau 51 ngày ấp tự nhiên đã có 53 trứng nở. Sáng ngày 21/7/2015 dưới sự chứng kiến của ngư dân, huyện đội, tình nguyện viên (TNV),… Ban quản lý KBTB Hòn Cau đã thả 53 chú rùa con về với biển. Được chứng kiến cảnh rùa con trong hành trình trở về trong lòng ai cũng hân hoan khó tả bởi biển chính là nơi chúng thuộc về. Không phải chú rùa con nào cũng may mắn được sinh ra, được về với biển. Thật sự, nếu không có sự giúp sức của cán bộ KBTB Hòn Cau thì hành trình trở về của rùa con sẽ rất gian nan vì ngoài những mối nguy từ tự nhiên ra rùa con còn luôn bị rình rập bởi các mối nguy từ con người.

Anh Bùi Huy Cường, cán bộ KBTB Hòn Cau cho biết, thời gian hiện tại KBTB Hòn Cau vẫn đang ấp một ổ trứng từ ngày 14/6/2015 tới nay (03/08/2015) đã được 50 ngày, trung bình thời gian một ổ trứng nở là từ 46 đến 60 ngày. Dự kiến ổ trứng này sẽ nở trong vài ngày tới. Hiện nay, không những cán bộ KBTB Hòn Cau đang rất trông chờ ổ trứng này nở mà những TNV, ngư dân cũng như các chiến sĩ trên đảo cũng có cùng tâm trạng.

Rùa biển trở lại đảo Hòn Cau sinh sản là một tín hiệu đáng mừng, tín hiệu khả quan cho môi trường. Hiện nay tại đảo đã đặt được nhiều thùng rác để thu gom rác thải, cán bộ KBTB thường xuyên cùng các TNV đi thu gom rác xung quanh đảo cũng như tại bãi đẻ của rùa nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường biển đảo cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho rùa sinh sản. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho rùa mẹ vào mùa sinh sản, cán bộ KBT thường xuyên ra bãi rùa để canh rùa lên đẻ. Khi phát hiện rùa đẻ sẽ lập tức di dời ổ trứng và xóa sạch dấu vết của rùa mẹ nhằm tránh việc các cá nhân mong muốn trục lợi từ rùa biển mà lần theo dấu vết của chúng.

Mặc dù KBTB Hòn Cau mới được thành lập, điều kiện cơ sở vật chất ở đảo còn gặp nhiều khó khăn, lực lượng còn mỏng, chưa được ngư dân phối hợp nhiệt tình… nhưng vượt qua tất cả điều đó anh em cán bộ KBTB Hòn Cau vẫn ngày đêm cố gắng làm tốt công việc của mình và đạt được những thành công nhất định, phục vụ tốt cho việc bảo tồn sinh cảnh, cảnh quan đảo Hòn Cau. Tuy nhiên, việc bảo tồn loài rùa biển cũng như bảo tồn thiên nhiên không thể hoàn thành tốt nếu chỉ trông chờ vào các cán bộ KBTB Hòn Cau mà còn phải có sự chung tay giúp sức cũng như sự ủng hộ của cộng đồng cũng như nhận được sự phối hợp của các bên có liên quan. Cần có các biện pháp răn đe thiết thực đối với các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến KBTB.  Có như vậy thì việc bảo tồn biển Hòn Cau cũng như các vùng bảo tồn khác mới trở nên thuận lợi hơn.

KBTB Hòn Cau