Tánh Linh
Tánh Linh: Thác Bà lẽ ra được khai thác tốt hơn
BT- Thác Bà sẽ
tốt hơn nếu nó vào tay một người có đầu óc và tầm nhìn xa, cùng với sự hỗ trợ
hiệu quả từ phía chính quyền địa phương.
|
Một phần thác Bà phía hạ lưu. Ảnh: H.T.T |
Hoang tịch
Tháng 6 năm nay, lần đầu tiên tôi
đến thác Bà sau hàng trăm lần đi về Tánh Linh trong hơn 20 năm làm việc tại
Báo Bình Thuận. Đúng như tôi hình dung bao năm nay, thác Bà đã không hùng
vĩ hơn những con thác tôi gặp trên đường Đông Trường Sơn gần ngã ba biên giới,
hoặc những con thác giữa rừng núi của hai tỉnh Mondokiri và Krachie, miền Đông
Bắc Campuchia trong nhiều năm trước đó, nhưng bù lại đây là con thác chứa trong
lòng nó sự hoang tịch vì nằm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông, vốn ít
người lui tới. Độ cao thác không lớn, thiếu cảnh khối nước khổng lồ trắng xóa đổ
từ trời cao xuống, sương khói bồng bềnh như mây sa, nhưng bù lại, rừng hai bên
bờ thác khá dày, với hàng trăm cây gỗ quý được gắn biển tên, thật sự tạo nên sự
hấp dẫn riêng có. Sau những phút đắm mình trong làn nước mát lạnh, người ta có
thể leo lên những hòn đá tảng, treo võng dưới cây rừng nói chuyện phiếm, đọc
sách, thư giãn, làm mọi chuyện tùy thích miễn sao không gây hại đến tài nguyên
rừng…
Hấp dẫn du khách
Có lẽ vì vậy, nên hôm tôi đến thác
Bà dù trời mưa vẫn có khá đông thanh niên nam nữ lui tới. Có không ít bạn trẻ,
mang thức ăn, ở lại thác gần như cả ngày. Điều đó nói lên thác Bà thực sự hấp
dẫn với nhiều người. Tuy nhiên, một điều đáng quan ngại là có quá nhiều rác
quanh thác, đa phần là rác khó hủy. Rác trong khe đá, trong rừng cây, rác trôi
theo nước về vùng hạ lưu. Anh Ngô Văn Tuấn, người bạn cùng đi với tôi hôm ấy
kể: Người ta mang cả gà đến đây rồi luộc hoặc nấu cháo... vì vậy về lâu dài
thác sẽ bị ảnh hưởng. Quả thật thế, vào buổi sáng hôm ấy, có không ít bạn trẻ
bày “tiệc” là những thứ mang theo từ nhà trên những tờ giấy báo trải trên những
hòn đá bàn giữa lòng suối. Khá nhiều lon bia được mở và sau đó lon bia được vô
tư thả xuống lòng suối, cùng với chai lọ xì dầu, tương ớt… Lòng suối sâu buộc
phải đón nhận tất cả do con người thải ra.
|
Lối vào thác Bà. Ảnh: H.T.T |
Nghĩ cách đánh
thức tiềm năng
Có thể nói thiên nhiên thác Bà là
một thắng cảnh, mặc dù không được xếp vào hạng danh thắng, nhưng rõ ràng có sức
hấp dẫn. Thác chứa trong lòng nó tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái và du
lịch Mice. Đi thác Bà hôm nay, thấy sự hoang tịch của thác càng thấy tiếc vì
bởi nó còn thiếu bàn tay của con người biết tổ chức chạm đến, cũng như đánh
thức tiềm năng du lịch. Buổi chiều hôm ấy, tôi ở nhiều giờ bên thác, lặng ngắm
nó và đặt nó trong sự so sánh với đảo Sentosa của Singapore vào những năm
1970, khi chính phủ Singapore quyết tâm biến một hòn đảo đa phần là cát và vài
quả đồi nhỏ thành khu du lịch. Rừng đã được trồng, rất ít cây thiên nhiên. Hầu
như 90% những gì có được của Sentosa đều do bàn tay con người.
Cách đây chừng 10 năm, khi tôi đến
Sentosa thì ngay từ trên tháp treo vượt biển, mặc dù vẫn biết quang cảnh ở bên
dưới có thể hấp dẫn song từ trong trái tim của một người yêu quê hương mình,
tôi vẫn cho rằng: ở Việt Nam có nhiều nơi, nếu biết khai thác sẽ gấp mười lần,
hai mươi lần lần Sentosa. Điều đó được chứng minh khi tôi, thay vì quá chú ý
đến trò biểu diễn của cá voi, đã rời con đường nhựa đi vào hai bên rừng, nơi
được giới thiệu là có động vật hoang dã. Và quả thật rằng trên đảo Sentosa,
người ta biết cách đưa về đây hàng triệu con bướm, cũng như biết cách giữ chúng
trong một khu vực để nhiều người người đến thưởng lãm. Thỉnh thoảng đi trong
rừng trồng lại gặp những con khỉ chuyền cành, hoặc sóc. Phần lớn được tạo dựng
nhưng rõ ràng nó đã giúp Singapore buộc người đi du lịch móc ví tiền.
Đối sánh đó mỗi lúc một lớn dần
trong tôi khi hình dung: Ven bờ của thác Bà, dưới tán cây rừng là những lối mòn
sạch sẽ, dẫn đến những căn nhà gỗ nhỏ khuất biệt, có nước hợp vệ sinh, chiếc bếp
Hoàng Cầm nhỏ để có thể nấu một số món ăn cho du khách thì thác Bà sẽ hút hàng
đoàn người tìm về, những người muốn sống trong khung cảnh thiên nhiên. Một số
dãy quán được dựng lên bên thác, với yêu cầu không được tác động hoặc phá hoại
cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ thật tốt môi trường thì thác sẽ đi vào bộ nhớ của
nhiều người ưa sự lãng mạn. Cần nói thêm, rừng quanh thác đa phần là gỗ quý. Chỉ
cần một kiểm lâm viên thạo nghề, đứng ra hướng dẫn cách nhận biết từng loại cây
rừng, cách quan sát cây trong rừng để nhận biết phương hướng, tránh lạc rừng,
với một mức học phí thấp thì sẽ không ít người có nhu cầu hiểu biết đăng ký học
(như một kỹ năng sống). Tuy nhiên, để làm được điều đó cần đến một nhà tổ chức
có tài, có viễn kiến, không vồ vập cái trước mắt mà hướng đến lâu dài; không
muốn vặt lông gà ngay khi trông thấy mà muốn đàn gà phát triển… Và nữa, cần đến
sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp với một nguyện vọng tha thiết là đánh
thức tiềm năng của vùng đất, của thác bà, cao hơn nữa là phát triển quê hương…
Không có những điều đó thì thác Bà sẽ vẫn phát triển trên giấy, trong chương
trình của các kỳ hội họp…
Hà Thanh Tú