Gáo nước mưa

Gáo nước mưa

Nước từ trời

Nước không sóng sánh

Chỉ mắt người lấp lánh giọt thương…

BT Là nói về nước mưa ngày trước, khi môi trường chưa ô nhiễm như bây giờ, ở miền quê, gần như nhà nào cạnh cửa ra vào cũng có lu nước mưa và móc cái gáo dừa bên cạnh. Nước mưa ấy ngọt lịm, mát lành, giải được những cơn khát cháy trưa hè. Gáo nước mưa ngày xưa, hiện thân của những gì ngọt lành, tinh khiết là vậy. Nói rõ thế, chứ bây giờ mà ực một gáo nước mưa không nấu chín, đun sôi thì đồng nghĩa với việc uống bụi bặm, mầm bệnh vào người...

Sau hơn 30 năm, tôi bỗng nhớ lại mồn một những gáo nước mưa của chúng tôi. Nhờ trang mạng xã hội Facebook mà tôi nối kết được với một cô bạn học cũ. Chuyện rông dài, chợt chúng tôi bồi hồi nhắc lại những nỗi buồn thật sâu với những rưng rưng, lặng lặng xuất phát từ tâm hồn, từ ký ức mỗi người. Đó lại là nỗi niềm của những tháng ngày đi học nghèo khổ đến mức tưởng chỉ có trong những câu chuyện cổ tích.

Lên lớp 10 là chúng tôi về trường huyện học, đoạn đường từ làng tôi lên huyện hơn 20 cây số, mỗi tuần đi hai bận, về và lên lại nhà trọ. Cô bạn tôi kể: Đoạn đường ấy lúc bấy giờ mỗi ngày có hai chuyến xe than (loại xe có gắn cái thùng than to lớn phía sau) nhưng mình vẫn phải đi bộ… Làm gì có tiền mà đi?! Sợ nhất là đang lùi lũi, mặt cúi xuống đất, chân bươn bươn mà gặp chiếc xe than ấy chạy qua mặt, bởi mình biết rất nhiều bạn học đang ngồi trên đó sẽ nhìn thấy. Vậy nên mỗi khi nghe tiếng xe rù rù và tiếng đập vào thùng than ầm ầm phía sau là… ba chân bốn cẳng nhảy vào bụi cây bên đường, ngồi thụp xuống, giấu khuôn mặt thật kín giữa hai đầu gối. Đợi con đường im ắng trở lại mới dám đi tiếp.

Ảnh minh họa.

Nắng! Nắng đổ dầu. Nắng nổ đom đóm mắt. Vậy mà đôi chân vẫn bươn bươn về phía trước. Trên vai chỉ có hai lít gạo, một túi khoai lang khô thôi mà làm như mình đang mang cả trái núi mà đi. Hỏi vậy mà cơn khát sao không kinh khủng cho được. Khát đến khô cháy, rát họng rát hầu. Khát đến nứt cả môi… Đi mà cứ mong nhanh tới “ngôi nhà thiên đường” đầu xóm ấy, nhà chút xíu, vách gỗ, mái lợp tôn, hiên trước nhà có cái máng nước chúc thẳng vào miệng lu. Cái lu đất lúc nào cũng lưng lửng nước mưa mát lạnh dưới tán cây trứng cá. Nhưng ngôi nhà ấy được bọn học trò đi bộ gọi là “ngôi nhà thiên đường” còn vì bà già chủ nhà lúc nào cũng vui vẻ, thương khách đường xa, vừa móm mém miệng cười, vừa nhắc chừng: “Uống đi con, uống cho đỡ khát nhưng từ từ, coi chừng xóc hông!”. Vậy nên vừa mở miệng xin nước đã tu xong một gáo đầy. “Giờ nhớ lại những gáo nước mưa ấy vẫn còn thấy mát ruột!”, bạn tôi hạ một câu kết như vậy cho câu chuyện lâu rồi không biết kể ai nghe.

Chuyện gáo nước mưa của tôi lại không phải uống mà là ăn, không phải khát mà là đói. Ngày ấy, tôi vừa đi học vừa phải nhận vẽ mành trúc cho hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp để có cái ăn. Nhưng không phải lúc nào cũng nhận được tiền công đúng hạn, tuần nào có cơm và nước mắm ăn là xem như đã đủ lắm rồi. Có hôm tôi nấu khoai lang khô bị ít nước quá, ăn với chút nước mắm nuốt không nổi, cứ nấc nghẹn đỏ mặt tía tai, mà lát khoai vẫn còn nằm ngay cổ. Lúc ấy, trời bỗng đổ ầm xuống cơn mưa thật lớn. Tôi với lấy cái gáo hứng nước mưa từ mái đang đổ xuống, rồi cứ thế chan nước mưa vào chén khoai lát mà vừa húp vừa nuốt. Sau đó thì ăn quen, món canh nước mưa trở thành món thường xuyên của tôi. Bây giờ cái vị canh ngọt lạnh chống nấc cụt từ gáo nước mưa ấy vẫn chưa phai trong cổ họng.

Nhắc gáo nước mưa để uống trong cơn khát cháy và gáo nước mưa để chan ăn thay canh đã làm cho chúng tôi, những người bạn từ thuở hàn vi ấy thấy gần gũi nhau hơn, dù chỉ là cuộc trò chuyện qua mạng, dù mỗi người đang ở một phương trời xa, ba mươi năm rồi chưa gặp lại. Tôi mừng là bạn ấy giờ đã trở thành cô giáo dạy một trường lớn ở thành phố, đã có cuộc sống đủ đầy, chồng con hạnh phúc.

Câu chuyện trên mạng giữa đêm khuya làm cho chúng tôi rưng rưng nước mắt nhưng cũng làm cho chúng tôi ấm lòng phần nào. Chúng tôi không kể về những gáo nước mưa ấy cho con cái mình nghe vì chuyện khó tin đối với thời nay, bởi thực sự giờ nhắc nhớ với nhau cũng chỉ để định lượng phần nào và dự cảm phần nào cuộc sống hiện tại, chớ lẽ nào chúng ta muốn con cái mình nếm lại cái vị nước mưa tủi khổ kia. Cuộc sống vững bền, an nhiên thường được bắt rễ sâu như vậy đó, nhưng đã làm cha làm mẹ thì cũng giống làm một thân cây hứng chịu qua hết những gió táp mưa sa, để nâng dưỡng những bông hoa con cái tròn đầy và nở ra viên mãn. Gáo nước giải cơn khát cũng là gáo nước rùng mình chính là hai mặt của đời sống vậy.

Nguyễn Hiệp