Khoảng xanh đô thị - từ sông Hàn

Khoảng xanh đô thị - từ sông Hàn nghĩ về Phan Thiết

Hội tụ xanh sông Hàn

BT- Trong ký ức những người dân sống lâu năm tại Đà Nẵng, sông Hàn từng là dòng sông ô nhiễm, đầy rác. Hai bên sông là những ngôi nhà nhỏ liêu xiêu. Nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và người dân, sông Hàn đã “hồi sinh”, trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Ba, một người dân Đà Nẵng cho biết: “Sáng và chiều nào người dân trong khu phố tôi đều ra đường Bạch Đằng để đi bộ, hóng mát. Từ khi có thêm cầu Rồng, người dân đến đây đi bộ ngày một nhiều hơn. Nơi đây trở thành điểm đấu cờ tướng của nhiều người, còn đến tối là tụ điểm của giới trẻ. Thậm chí nhiều người còn đem chó cưng ra thi thố, trình diễn”. Trong những năm qua, chính quyền TP. Đà Nẵng đã bắt tay vào việc quy hoạch tuyến đường ven biển nối từ quận Liên Chiểu qua chân núi Sơn Trà bằng cầu dây văng Thuận Phước, rồi chạy về Hội An trên trục đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Hai bên bờ sông Hàn cũng được quy hoạch, chỉnh trang theo hướng kéo dài dòng sông. Hiện toàn bộ phía bờ Tây của sông Hàn đã gần như được khớp nối. Gần đây nhất, UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản đồng ý theo đề nghị của Sở Xây dựng về việc lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng ranh giới Công viên 29/3 thêm gần 6.000 m2. Theo đó, Công viên 29/3 sẽ được quy hoạch mở rộng thêm 6.000 m2 ở hai phía đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Tri Phương, lá phổi của thành phố tiếp tục được mở rộng.

TP. Đà Nẵng đang tích cực cải tạo cảnh quan hai bên bờ sông Hàn.

Khoảng xanh ở TP. Đà Nẵng không chỉ mang lại không gian sinh hoạt cho người dân mà còn là một lợi thế về du lịch. Nhiều du khách đến Đà Nẵng không chỉ để ngắm những công trình kiến trúc độc đáo, tham quan những khu nghỉ dưỡng cao cấp, mà đến Đà Nẵng để được sống giữa thiên nhiên. Tản bộ trên đường Bạch Đằng vào những chiều lộng gió, hay ngồi trên du thuyền ngắm thành phố rực rỡ về đêm là những trải nghiệm thú vị mà không phải nơi nào cũng có được.

 Tạo mảng xanh ở Phan Thiết

Bình Thuận dần khẳng định được vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và được mệnh danh là “Thủ đô resort”. Nhưng nhìn lại, Bình Thuận vẫn chưa xây dựng được những khoảng xanh đúng nghĩa để người dân và khách du lịch cùng thụ hưởng. Là thành phố loại II, nhưng TP. Phan Thiết chưa có những công viên lớn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đa phần những công viên hiện có trong thành phố đều có diện tích quá nhỏ không đủ để người dân sinh hoạt. Bên cạnh đó, các công viên còn thiết kế đơn điệu, chưa để lại ấn tượng cho du khách. Hiện có nhiều kế hoạch, dự án xây dựng mảng xanh của thành phố nhưng do nhiều nguyên nhân nên đến nay vẫn chưa khởi động.

Khi UBND tỉnh đồng ý biến khu vực bờ kè Hàm Tiến thành công viên cây xanh, thì không chỉ người dân phường Mũi Né mà nhiều du khách rất vui mừng vì có khoảng không gian cộng đồng để đi bộ, ngắm biển. Nhưng do thiếu kinh phí, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng khiến nhiều năm nay vẫn chưa thể triển khai. Hiện nay, khu vực này đang mọc lên hàng loạt quán nhậu tạm bợ làm mất đi mỹ quan thành phố. 

Hay như hai bên bờ sông Cà Ty, một địa điểm lý tưởng để cho người dân đi bộ, tập thể dục cũng chưa được đầu tư đúng mức, vỉa hè hai bên bờ sông đang xuống cấp trầm trọng khiến người dân gặp khó khăn khi đi bộ tại đây. “Hiện nay, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã được chuyển sang địa điểm mới. Nếu nơi đây được xây dựng công viên thì chắc chắn khu vực này sẽ đẹp hơn rất nhiều. Không chỉ tạo nơi sinh hoạt cho người dân mà còn tạo điểm nhấn cho thành phố”, ông Hùng, một người dân thường xuyên đi bộ ở khu vực này cho biết.

Một niềm vui đến với người dân TP. Phan Thiết khi mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý xây dựng Công viên Võ Văn Kiệt có diện tích 41.397,2 m2, có tổng dự toán gần 80 tỷ đồng. Trong công viên có khu vực triển lãm hội họa, cụm tượng danh nhân, khu dã ngoại, bãi đỗ xe, đường nội bộ và công trình vệ sinh… Các hạng mục công trình sẽ được thực hiện trong năm 2015 và 2016. Đây là công viên cây xanh được thiết kế theo hướng hiện đại, không chia nhỏ không gian và sẽ có rất nhiều cây xanh tán lớn nhằm tạo nên một không gian thư giãn gần gũi thiên nhiên giữa lòng thành phố. Trong tương lai, khi Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết hoàn thành, người dân sẽ được thụ hưởng khoảng xanh mới ven biển.

Bình Thuận đang ngày càng phát triển, đi theo đó là nhu cầu sinh hoạt, vui chơi công cộng ngày một tăng lên. Vì vậy cần có một kế hoạch dài hơi, quy hoạch quỹ đất dành cho công trình công cộng, cây xanh hợp lý. Phát triển khoảng xanh, công trình công cộng không chỉ để người dân sinh hoạt mà còn là điểm nhấn cho du khách mỗi khi đến Bình Thuận.

Mai Vân