Thú uống trà của người Nam bộ

Thú uống trà của người Nam bộ

Đôi điều về trà

BT- Người Việt Nam nói chung có thói quen uống trà từ rất lâu, khoảng nửa sau thiên kỷ thứ nhất, ở miền đồi núi trung du và châu thổ, người Việt đã trồng chè. Ở Cửu Chân (Thanh Hóa thời xưa) có núi Chè, đặt tên chữ là Trà Sơn. Không giống như Trung Quốc và Nhật Bản, nghệ thuật uống trà được nâng lên thành “Kinh đạo” và “Trà đạo”, song văn hóa uống trà của người Việt cũng khá cầu kỳ nhưng cũng mang tính dân dã. Trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đã nhắc đến trà Tước Thiệt (trà lưỡi chim sẻ), người ta còn gọi là trà móc câu thuộc giống trà mi ở vùng Sa Bôi nay thuộc tỉnh Quảng Trị (ngày xưa thuộc Châu Ô, Châu Lý). “Vân Đài loại ngữ” (1773) của Lê Quý Đôn lần đầu tiên ghi chép về cây chè ở vùng Thanh Hóa và việc chế biến trà bánh của làng Bạng nổi tiếng về nghề chè. Theo một học giả người Đức là J.Koch, trong một bài in ở tạp chí “Cây trồng ở các thuộc địa” tháng 8/1900 có viết: “...Ở vùng đất Nam Kỳ đặc biệt phì nhiêu, giữa Thủ Đức và Thủ Dầu Một hiếm thấy nhà nào mà không có ít nhất 1/2 ha trồng chè Huế. Vườn chè gia đình thường trồng quanh nhà ở, xen với cau, cây ăn quả”. Ở Việt Nam có rất nhiều giống chè trồng hợp với khí hậu địa phương, các nơi trồng chè nổi tiếng như: Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Lai Châu, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đối với dân gian, người ta thích uống trà lá tươi gọi là chè hơn là các loại trà mang tính chất cầu kỳ như trên.

Ảnh minh họa

Trong quá trình vào phương Nam mở cõi, dù không thể áp dụng theo lối uống trà hay thưởng thức trà ở “đàng ngoài”, người miền Nam lại có cách thức uống trà bớt cầu kỳ, đơn giản hơn nhưng cũng rất chân tình và ấm cúng.

Người miền Nam uống trà

Dù không theo thuật dưỡng sinh theo cách “Bình minh nhất trản trà”, song thời gian cho việc uống trà vẫn tuân theo giờ giấc, khoảng từ 4 - 5 giờ sáng, đây là thời khắc “đêm qua ngày tới” hay khí âm đã suy, khí dương đang thịnh, rất có lợi cho sức khỏe, khi thưởng thức uống trà, dù là độc ẩm (uống một mình), nhị ẩm (uống hai người) hay quần ẩm (nhiều người) cũng là bắt đầu kế hoạch và công việc cho một ngày mới, trước khi đến chỗ làm hay ra đồng ruộng…

Ngoài những loại trà cầu kỳ đắt tiền như Thiết Quan Âm, trà Ô Long… ở miền Nam trước đây người bình dân thường ưa chuộng loại trà pha chế sẵn hiệu quả Bầu hay con Cua, nước đượm, mùi vị cũng rất ngon, và người ta có thể bỏ bớt những cầu kỳ của nước mưa, nước suối, chỉ cần có nước giếng trong cũng là điều quý, ấm nấu nước bằng than hay củi đều được, song không để nước sôi quá “già” và khi pha trà phải tráng trà hay còn gọi là “rửa trà”, loại bỏ bụi và tạp chất nếu có, bởi trà nước thứ hai mới ngon, thể hiện kinh nghiệm “Rượu trên be, chè dưới ấm” và “Tửu tam, trà nhị” (rượu uống chén thứ ba mới ngon, trà chỉ chén thứ hai). Bình pha trà chỉ cần một cái bình con (bình tích) hoặc bình lớn và có thể sử dụng chén uống trà, ly, tách, không cầu kỳ phân biệt “chén quân, chén tống” và cũng không sử dụng chén “mắt trâu” hay “bôi”, nói chung là không kén chọn dụng cụ để uống và thưởng thức trà như ở miền Trung hay miền Bắc với những bộ đồ trà cầu kỳ, đắt giá có khi là đồ cổ, bảo vật…

Người uống trà lâu ngày thành thói quen, nghiện và không thể bỏ như Trần Tế Xương đã viết: “Một trà, một rượu, một đàn bà/Ba cái lăng nhăng nó quấy ta/Chừa được thứ  gì hay thứ nấy/Họa chăng chừa rượu với chừa trà!” hay “Làm trai biết đánh tổ tôm/Uống chè Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều”, thể hiện một nét quê nhà và cũng là bản sắc của người Việt, nhất là con cháu, hậu duệ của những người rời xa quê hương đi mở cõi. Ly trà cũng để dâng lên tổ tiên dùng trong cúng bái, thường gọi là “cúng nước hay dâng trà”. Trà cũng được bày ra khi nhà có hỷ sự, hoặc tang chế hay trong dịp cúng giỗ, gặp mặt gia đình, mặc dù có nhiều phụ nữ miền Nam không uống được nước trà!

 Bạn trà

Uống trà vừa cầu kỳ, mất thời gian, có khi sợ làm phiền vợ con, người chủ gia đình thường thức dậy sáng sớm và ra… quán. Quán không giống như ở phía Bắc có bán nước trà, mà chủ yếu là bán cà phê đủ hạng loại, cà phê… kho, cà phê vợt, cà phê phin và khuyến mãi thêm… ấm trà. Ở đấy có thể “Tùng tam tụ ngũ”, quây quần anh em, bè bạn bên ấm trà bằng nhôm, nóng… phỏng tay, bàn tán chuyện đời, thế sự, chuyện mùa màng cho đến… bóng đá, có khi còn cả… số đề và cá cược. Bởi bạn trà không như ngày xưa, tinh chọn trong những bạn bè chí cốt, tâm giao, vì “bạn trà” khó kiếm hơn “bạn rượu”, ngày nay thì miễn cứ… uống được trà, cùng chung sở thích thì vui vẻ mời gọi. Văn hóa và nghệ thuật uống trà hiện nay đã ăn sâu vào đời sống của rất nhiều người. Ở các tỉnh, thành phố lớn miền Nam đã có các quán, hội quán “trà đạo, trà quán” cho những người thích thú với không gian yên tĩnh, nghệ thuật pha trà và thưởng thức những tách trà hương thơm đến quyến luyến, mê mẩn, còn rất nhiều quán cà phê từ các hang cùng ngõ hẻm đến những nơi sang trọng, thỏa mãn thú uống trà cho mọi người từ bình dân “đại trà” đến nâng cao thành mức “trà đạo” cho một thiểu số ít người. Song, xu thế hiện nay các quán cà phê lớn không mang bình trà mà chỉ mang ra một ly trà đá… cỡ trung, làm buồn lòng những khách quen thích một ấm trà nóng hơn là ly trà đá nhạt nhẽo và cả… vô duyên trong lúc quây quần tụ hội với bạn bè.

Uống trà là thú vui tao nhã hoặc chuẩn bị bàn bạc cho một công việc tới, có khi là nơi quây quần họp mặt của đại gia đình, có khi là tập hợp những bạn bè cùng gu, cùng sở thích. Có thể hơi mất thời gian một tý nhưng đó là nét văn hóa đáng yêu và nên chăng tiết chế thời gian phù hợp, tránh “cà kê” hay “ngồi đồng”  cho hết buổi làm, lỡ cả công ăn chuyện làm thì không hay lắm…

TRẦN HOÀNG VY