Người giữ đình làng tuổi bách ni
Người giữ đình làng tuổi bách niên
BT- Cho đến bây giờ, chưa ai giải
thích được vì sao đình làng tọa lạc tại phường Đức Long (Phan Thiết) có tên gọi
là đình Tú Luông. Cũng có thể Tú Luông là tên gọi của một làng xưa nằm trên phần
đất của phường Đức Long ngày nay, rồi sau đó người dân lấy tên làng đặt cho
đình.
Theo tấm bia dựng tại sân đình thì
đình làng Tú Luông hình thành vào thế kỷ thứ XIX, qua nhiều lần trùng tu và lần
trùng tu hoàn chỉnh nhất vào năm Tự Đức 24 (năm 1871). Đình làng hiện còn lưu
giữ nhiều sắc phong của vua triều Nguyễn và là một trong những ngôi đình cổ
của Phan Thiết. Đình làng Tú Luông được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích
kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 2001. Mới đây, tình cờ chúng tôi ghé thăm
đình làng và phát hiện một điều lý thú: Người giữ ngôi đình này, cụ Nguyễn Văn
Giác đến nay tròn 100 tuổi. Cụ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gởi thiếp
mừng thọ vào ngày 7/1/2015. Ở tuổi tròn 100, nhưng cụ Giác vẫn tinh tường mọi
việc, có thể đọc sách báo chữ nhỏ không cần kính. Cụ Giác cho chúng tôi xem
một văn bản viết tay giao nhiệm vụ trông coi đình Tú Luông cho cụ vào tháng
8/1955, với rất nhiều chữ ký của các cụ giữ các trọng trách trong làng, trong
tổng thời ấy. Cụ Giác kể: “Vừa lớn lên tôi đã theo người lớn giúp việc làng. Mỗi
năm xuân thu nhị kỳ, làng tổ chức lễ cúng tạ Thành hoàng bổn cảnh, các bậc tiền
hiền, hậu hiền với các nghi thức cụ thể... và tôi đều phải học”. Dần dà, nhờ
thạo việc, nhanh nhạy, ông Giác được làng bầu vào ban tế tự, chuyên lo phần lễ
trong đình làng, trước khi được giao nhiệm vụ trông coi đình làng vào năm 1955.
Trong 60 năm làm nhiệm vụ giữ đình,
cụ Giác kể ít khi nào cụ đi xa, mà thường xuyên lui tới đình để gìn giữ các đồ
vật do người xưa truyền lại. Đã có một vài lần đình làng Tú Luông bị hư hỏng vì
thiên tai và thời gian, và cụ với tư cách người giữ đình đã báo cáo lại với làng
để cả làng đóng góp tài chính trùng tu. Nhân trong lúc nói chuyện, cụ Giác cho
hay: Một trong những nguyên nhân giúp cụ sống thọ có lẽ cũng xuất phát từ việc
giữ đình. Người giữ đình lúc nào cũng giữ lòng thanh bạch, không tham lam, kiềm
chế nóng giận, lấy sự an tịnh làm đầu, không vui buồn thái quá làm mất cân bằng
cuộc sống tinh thần. Và nữa, vì là người giữ đình nên cụ không cho phép mình say
sưa, ăn uống thì lấy sự đơn giản làm chính, nhiều rau, kiêng chất cay nóng, năng
làm việc, đi lại nên rất ít đau yếu, bệnh tật. Trong lúc trò chuyện với chúng
tôi, cụ Giác nói thêm: “Có xưa mới có nay. Đình làng là hồn cốt của một vùng
quê, qua đình cho thấy được sự hình thành, phát triển của một địa phương; là nơi
thờ cúng, tưởng nhớ những người có công, đồng thời là chỗ để tập hợp dân làng,
giữ gìn phong tục, tập quán của làng… vì vậy tôi đã dặn con cháu cùng bà con ra
sức giữ gìn đình làng, làm được việc gì cho đình làng thì hết sức làm”.
Được biết, ở tuổi 100 đi đứng có
phần khó khăn, nhưng cụ Giác rất nhiệt tình với khách thăm, dành nhiều thời gian
để trả lời mọi câu hỏi liên quan đến đình. Cụ Giác, người kết nối quá khứ với
hiện tại của đình làng Tú Luông, phường Đức Long.
Hà Hoàng Hạc