Người góp sức bảo tồn

Người góp sức bảo tồn, phát huy giá trị di tích

BT- Xác định rõ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa (bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể) là sứ mệnh của chính mình, ông Trần Đức Dũng – Trưởng phòng Bảo tồn quản lý di tích, Bảo tàng Bình Thuận luôn hết lòng vì công việc chỉ với mong muốn gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa cho muôn đời sau.

Lễ hội Katê được du khách, các nhà nghiên cứu đánh giá cao Ảnh: Đ.Hòa

Kết quả các đợt khảo sát, kiểm kê di tích trong nhiều năm qua xác định trên địa bàn tỉnh có hơn 300 di tích, với nhiều loại hình đa dạng và phong phú. Đơn cử là di tích khảo cổ học, đền tháp của người Chăm, đình làng, chùa chiền, đền miếu… Hầu hết các di tích đều có niên đại xây dựng cách ngày nay trên dưới 200 năm, riêng các nhóm đền tháp Chăm được xây dựng sớm hơn nhiều, có nhóm tháp hơn 1.200 năm tuổi. Trải qua thời gian, các di tích đều trong tình trạng hư hỏng và xuống cấp nặng nề. Nhiều nghi lễ, lễ hội đã và đang đứng trước nguy cơ mai một cả nội dung lẫn hình thức. Từ thực trạng đó, là người được giao nhiệm vụ chính trong thực hiện công tác bảo tồn quản lý và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, ông Dũng đã đề xuất với lãnh đạo đơn vị chọn lọc những di tích có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa để nghiên cứu, thiết lập hồ sơ khoa học. Từ đó tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trình UBND tỉnh và Bộ VHTT&DL thẩm định xếp hạng. Từ năm 2010 đến nay, ông Dũng đã chỉ đạo, phối hợp với cán bộ trong đơn vị thực hiện nghiên cứu, thiết lập hồ sơ khoa học 20 di tích trình Nhà nước xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp bộ và 17 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, ông còn trực tiếp thực hiện tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân. Ông nghiên cứu đề xuất lãnh đạo đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo, góp phần phục hồi lại diện mạo, kiểu dáng, kết cấu kiến trúc dân gian truyền thống vốn có của di tích, đồng thời nâng cao tuổi thọ, giá trị, nét trang nghiêm và vẻ mỹ quan vốn có của di tích.

Ông Dũng còn tham mưu cho đơn vị tiến hành phục dựng nhiều lễ nghi, lễ hội văn hóa dân gian tại các di tích, phát huy giá trị trong đời sống sinh hoạt, văn hóa tâm linh tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân. Nổi bật là lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư được phục dựng vào năm 2005, từ đó đến nay Lễ hội Katê duy trì thường xuyên và được cộng đồng người Chăm, du khách, các nhà nghiên cứu đánh giá cao. UBND tỉnh coi lễ hội Katê là một trong 5 lễ hội văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc và tiêu biểu của tỉnh. Cùng với các lễ hội khác như lễ hội Nghinh Ông, lễ hội dinh Thầy Thím và lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú.

Với những đóng góp quan trọng, ông Trần Đức Dũng 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. “Đây chỉ mới là những thành công và kinh nghiệm bước đầu cho bản thân tiếp tục thực hiện công tác tham mưu, quản lý và phát huy giá trị các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh được tốt hơn, bài bản hơn về lâu dài”, ông Dũng chia sẻ.

KIM ANH