Trở lại làng thuyền thúng Hiệp A
Trở lại làng thuyền thúng Hiệp An
BT- Quá nhiều, trên 100 chiếc! 100
chiếc thuyền thúng, mỗi chiếc đường kính từ 3 - 4m, hãy tưởng tượng xem nó
chiếm mặt bãi như thế nào? Tôi tự nhủ như thế khi đứng trước bãi biển thôn Hiệp
An, xã Tân Tiến (thị xã La Gi).
|
Một góc làng thuyền thúng. |
Mặt trời lúc này lên chừng cây sào
và mặt biển đang phô diễn hết cái màu xanh của mình sau những ngày nắng nóng gay
gắt. Ở ngoài xa kia, nơi sóng nhấp nhô, những chiếc thuyền thúng trước sau tiến
vào bãi, nơi có nhiều người đứng chờ. Bãi biển càng lúc càng lô nhô người.
Từng tốp đứng tụm vào từng chiếc thuyền thúng, không ai bảo ai nhanh tay gỡ cá.
Tôi trò chuyện với người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi đang gỡ cá cùng một phụ nữ
về công việc của họ. Người đàn ông tên Trần Ngọc Quang, nói: “Sắm chiếc thúng
bây giờ phải từ 5 - 6 triệu đồng. Kèm theo là chiếc máy nổ loại nhỏ cùng bộ
khung đặt máy cũng mất 3 triệu đồng. Lưới phải vài tấm kể cá lưới cá đục, lưới
tôm… Tổng cộng khoảng trên 20 triệu đồng. Đánh ven bờ thôi nhưng xem ra vẫn
sống được so với trước đây khi tôi đi đánh xa thường nhờ thuyền to chở thúng ra
khơi. Khi đó phải mất khoảng 15% số thu nhập hàng ngày của mình cho chủ thuyền
vì công họ chở thúng”. Hàng ngày cứ 3 giờ sáng anh Quang ra biển, chừng vài lý,
đánh một, hai vát lưới rồi vào bờ. Hôm nào trúng thu bạc triệu, không thì vài
trăm ngàn đồng, ví dụ như bữa nay với số cá bạc má, cá ve đánh được, sau khi
trừ 20.000 đồng tiền dầu và hao mòn máy móc, anh cũng được 200.000 đồng. “Nếu
giá dầu không tăng, chỉ gần 9.000 đồng/lít như khoảng 10 năm trước thu nhập sẽ
cao hơn”. Lúc này đây tôi nhớ đến những gì anh Võ Văn Quý, trưởng thôn Hiệp An
nói khi tôi đến nhà anh, tìm hiểu đời sống của người trong thôn.
Theo đó cả thôn Hiệp An có gần 420
hộ, khoảng 2.000 dân. Ruộng đồng chỉ có 50 ha lúa 2 vụ và 25 ha đất màu. Diện
tích ấy chả thấm vào đâu so với nhu cầu của dân, bởi một gia đình với 4 lao
động, đất sản xuất phải trên 1 ha mới đủ xoay xở, chưa dám nói đến giàu có. Vì
vậy, tất nhiên người Hiệp An phải dựa vào biển, kiếm sống từ biển. Có điều,
do tài lực chưa thật khá để sắm thuyền to, nhiều gia đình bằng lòng với cách
kiếm sống ven lộng bằng thuyền thúng. “Gần như trên 70% số hộ ở Hiệp An đều làm
nghề liên quan đến biển. Không trực tiếp đi biển thì mua cá, bán cá, đan lưới...
Trước kia đi trên thúng đan bằng nan tre, bây giờ bằng vật liệu composit vừa
nhẹ, vừa bền”, anh Trần Ngọc Quang, tiếp. Nghề đánh cá bằng thuyền thúng của
Hiệp An diễn ra quanh năm với các loại lưới cá đục, cá ve, tôm… không có chuyện
nghỉ biển như nhiều tàu thuyền lớn ở một số nơi. Thông thường, tàu thuyền lớn
chi phí rất cao mỗi chuyến đi chừng nửa tháng chỉ tiền dầu thôi đã vài chục
triệu đồng. Trong khi đó thì ngư trường đánh bắt không phải lúc nào cũng thuận
lợi, chỉ cần vài chuyến biển lỗ tổn, chủ thuyền đã não ruột, động biển một chút
là muốn ở nhà. Trong lúc tôi trò chuyện với anh Quang, chị phụ nữ nãy giờ yên
lặng gỡ cá, lên tiếng: “Cái chính ở đây là làm chủ lấy mình. Một chiếc thúng chỉ
cần cha và con là đủ sức làm, trong khi thuyền lớn lại phải thuê lao động từ
miền Trung vô. Lao động trước khi lên thuyền đều ứng trước tiền. Chủ thuyền
không đáp ứng sẽ không có lao động. Trường hợp đánh bắt khá, chủ thuyền tạm thời
giữ được lao động, nhưng chỉ cần vài lần không đạt, lao động sẽ nói lời chia
tay. Giữa họ với nhau không có hợp đồng và nếu lao động đòi hỏi, chủ thuyền cũng
không dám ký vì chẳng ai biết những ngày tới đánh bắt ra sao? Ở Hiệp An, chưa
bao giờ xảy ra việc chủ thuyền thúng phải đi thuê người vì đó là kiểu lao động
gia đình, đơn giản nhưng có thu nhập vì dựa vào tài nguyên thiên nhiên với chi
phí thấp.
|
Gỡ cá tại bãi biển Hiệp An. |
Mãi nói chuyện đến lúc ngoảnh lại
thì bãi biển đã nhộn nhịp người. Đa phần là phụ nữ. Họ đến chờ mua cá chạy chợ
La Gi, chợ Tân Hải, xa hơn là chợ Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. “Mớ cá bạc má này
bán bao nhiêu vậy cô?”, tiếng một phụ nữ vang lên từ đầu trên và tôi nghe tiếng
đáp lại: “Dạ ba chục ngàn đồng”. “Ba chục thì làm sao chị bán lại được em? Ngồi
chợ cũng lắm loại thuế. Mày cho chị hai mươi lăm ngàn đồng được không?”. Vài
tiếng trao qua đổi lại nữa, rồi người phụ nữ vừa trả cá hai mươi lăm ngàn đồng
đó đi nhanh vào bên trong, nơi có chiếc xe máy dựng sẵn, lấy ra một chiếc giỏ
chắc là để đựng cá. Trong lúc mọi người bận rộn mua bán cá, gỡ cá thì tôi lặng
lẽ quan sát họ, thầm nhận ra rằng: Đời sống của người dân Hiệp An khá sinh động
và đầy bận rộn, ít ra là đến lúc này. Với hơn 100 thuyền thúng vào bến mỗi
sáng, ước tính mỗi chiếc khoảng 30 kg cá thì phải trên dưới 3 tấn cá các loại.
Số cá đó đủ giúp người Hiệp An duy trì nghề đánh cá ven lộng, bằng chứng sau 9
năm hình thành, đến nay số thúng của làng cứ một dài ra trên bãi so với vài
năm trước đây tôi đến.
Hà Thanh Tú