Văn hóa ẩm thực của người Tánh L

Văn hóa ẩm thực của người Tánh Linh: Đi đâu cũng… bánh tráng nướng!

BT- Không biết từ bao giờ, bánh tráng nướng  trở nên phổ biến, có  hầu hết trong  thức ăn của người dân ở vùng Tánh Linh này.

Phơi bánh tráng.

Buổi sáng…

Dạo qua một vòng các quán ăn ở thị trấn Lạc Tánh, dễ có đến gần chục quán bán cháo lòng và mì Quảng. Đây là hai trong số các món ăn quen thuộc của vùng quê có hơn một nửa số dân  gốc Quảng này. Treo lủng lẳng ở ngay trước cửa quán là bao bánh tráng nướng thật to xếp thành chồng cao ngất, vừa mới nướng  nóng giòn, dùng để ăn kèm với mì Quảng, cháo lòng.

Với mì Quảng, ngoài bắp chuối hoặc thân cây chuối xắt mỏng cùng các loại rau thơm như tía tô, húng lủi, diếp cá, quế, xà lách, cải bẹ xanh con… thì bánh tráng nướng bẻ nhỏ trộn đều trong tô mì cùng với đậu phộng rang, mỗi một đũa và vào miệng vừa béo ngậy, vừa giòn khay rồi gật gù thưởng thức như trẻ nhỏ bất ngờ nhận được quà reo lên đầy thích thú. Còn cháo lòng, nhiều nơi người ta thích dùng với giá đỗ hay giò cháo quẩy, riêng ở đây, vẫn là bánh tráng nướng. Bẻ nhỏ, bỏ vào tô cháo còn bốc khói nghi ngút, cho vào miệng còn nghe độ giòn của bánh tráng tan ra và mềm đi… Riêng tiết canh, người ăn bóp nhỏ bánh tráng trong lòng bàn tay rồi bỏ vào chén tiết canh mới vừa đông lại…

Buổi chiều…

Gần cổng Trường THCS Lạc Tánh có mấy hàng bánh tráng. Rất nhiều học sinh tan học về ghé vào. Quan sát một lúc, thấy hàng bánh tráng trộn có phần ít khách hơn hàng bánh tráng nướng cuốn. Chờ mua được vài cái bánh tráng nướng cuốn cũng mất mươi phút, nhưng rồi khách sẽ dễ dàng quên đi những giây phút chờ đợi bởi mùi thơm của tinh bột, của gia vị trong bánh tráng cuốn chín tới xông vào mũi mình, cũng như tận mắt chứng kiến bàn tay thoăn thoắt của chị bán nướng bánh và những tiếng hít hà, những tiếng nhai giòn rụm của mấy em nhỏ ngồi bên sau khi đã mua được  món mình ưa thích. Lúc ấy, người mua bánh cũng hóa trẻ thơ, nghiêng nghiêng ngó ngó, ra vẻ đầy ngạc nhiên. Chỉ cần như thế thôi, người bán hàng đứng tuổi đã đoán ra ngay, nhẹ nhàng nói: “Cô ngồi xuống ghế chờ chút. Bánh tráng nướng cuốn này ăn nóng ngay tại chỗ, đem về hết giòn không ngon đâu cô!”.  Nói xong, chị tiếp tục thoăn thoắt đôi tay: cắt bánh tráng  làm đôi, để lên bếp than, nướng đều hai mặt. Phết lên bề mặt bánh tráng một ít mắm ruốc, sốt mayonnaise, 2 cái trứng cút đập ra trộn đều khắp bề mặt bánh tráng, một ít rau thơm, rau răm, một ít cà rốt, củ cải trắng làm gỏi chua, tương ớt… rồi dùng đũa cuốn lại. 5.000 đồng cho một cái bánh tráng cuốn, quả thật là ngon, không chỉ  với thực khách nhỏ tuổi.

Bên cạnh hàng bánh tráng là hàng gỏi mít. Được bày ra từ lúc 3 giờ chiều, khách thường mua gỏi mít mang về nên chị bán hàng chỉ để hai cái bàn nhỏ với mấy cái ghế. Bao bánh tráng nướng to đùng để cạnh bên thau gỏi mít được làm từ 5 quả mít non, trộn với một ít tép đồng và thịt ba chỉ xắt sợi, vừa bày ra chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã vơi hơn một nửa. Khi đám học trò tan trường ùa ra, quả thật bất ngờ khi chứng kiến cái cách các em dùng bánh tráng nướng như những cái muỗng đặc biệt, xúc gỏi mít ăn rất điệu nghệ…

Hàng ngày…

Rất nhiều gia đình ở Tánh Linh đều thích món lòng xào nghệ. Và hình như trong các món ăn khác, dù quán cóc, vỉa hè,  dự các bữa tiệc, liên hoan, thậm chí đám giỗ đều có bánh tráng nướng. Bánh tráng nướng là món “sống còn” của nhiều người nơi đây. Nhà nào dường như cũng có vài cái bánh tráng nướng bỏ trong bịch ni-lon, để trong khạp gạo, trong tủ lạnh, ăn bất cứ khi nào thích: chấm mắm ruốc, chấm chao, ăn vặt… Dùng thường xuyên thành quen và tất nhiên không phải chỉ để xúc thay muỗng, bánh tráng nướng còn mang đậm tình quê trong mỗi người dân gốc Quảng.

 Võ Thị Bích Phượng