Du lịch cộng đồng ở Bình Thuận

Du lịch cộng đồng ở Bình Thuận: Vẫn là nàng công chúa ngủ trong rừng

BT- Du khách thích được hòa mình vào thiên nhiên, thâm nhập trải nghiệm vào những làng quê yên tĩnh, làng nghề để khám phá... Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCĐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Câu cá ở Khu du lịch Trung Thành Nam

Những tiềm năng

Tại Bình Thuận đã không ít người ấp ủ lượng khách sẽ đổ về các làng nghề dệt thổ cẩm Chăm, làm gốm ở Bắc Bình, vào những trang trại ngút ngàn thanh long đêm đêm ngắm cả một trời sao đèn thắp thanh long trái vụ, thưởng thức những món ăn thức uống từ thanh long. Ở một số làng quê Bình Thuận đã và đang hình thành khá nhiều trang trại nuôi heo rừng, gà, trồng cao su, những vườn cây ăn trái trĩu quả, những ao cá chỉ cần cầm vợt vớt lên là có cái ăn… Hàng năm tỉnh đã bình chọn hàng ngàn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhưng không lẽ không chọn ra được vài chục trang trại để hút khách du lịch? Chưa kể chúng ta còn những tiềm năng còn nằm ngủ như Suối nước nóng Bưng Thị ở Hàm Thuận Nam, Thác Bà ở Tánh Linh, có những làng biển ở Hòa Thắng (Bắc Bình), Kê Gà (Hàm Thuận Nam)… mà nhịp sống ở đó bình yên thơ mộng đến lạ lùng. Ấp ủ là thế nhưng để hút khách vào loại hình du lịch này thì còn nhiều vấn đề nan giải.

Phát triển bền vững

Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững và hiệu quả, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương, Bình Thuận cần phải có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới như: Lựa chọn, quy hoạch và phát triển các làng du lịch cộng đồng có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh để đầu tư xây dựng. Nâng cấp hạ tầng cơ sở, chú trọng đến các điểm, các thôn, làng, bản nằm trên tour, tuyến du lịch chính của tỉnh. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh và nhân viên phục vụ tại các thôn, các làng nghề. Đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tại đây, các hộ dân được hỗ trợ, tập huấn kỹ năng giao tiếp, tổ chức vệ sinh nhà ở và thành lập các đội văn nghệ tại chỗ sẵn sàng biểu diễn phục vụ khi du khách có nhu cầu những giai điệu mang sắc thái của dân tộc mình. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ dân  bảo tồn và phát triển một số ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thủ công, mây tre đan… Liên kết với các chủ trang trại, các công ty du lịch cùng hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Hiệp hội du lịch Bình Thuận và các sở, ban, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Tâm khẳng định: Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND thành phố Phan Thiết phải theo sát, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Hiệp hội du lịch cần phối hợp với các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác kiểm tra, có văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng phục vụ du lịch tại cơ sở, nhất là về thái độ, phong cách phục vụ của nhân viên tại các cơ sở du lịch cần thân thiện và chuyên nghiệp.

Với lợi thế về các điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về phong tục tập quán ở Bình Thuận, DLSTCĐ là một hình thức du lịch phù hợp và dễ phát triển. Như vậy có thể thấy đây là một loại hình du lịch còn khá trẻ nhưng hứa hẹn sẽ trở thành một xu hướng phát triển mạnh trong tương lai nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân địa phương - “nhân tố cốt lõi”, các công ty lữ hành - “cầu nối” và các cấp chính quyền - “đòn bẩy”. Hãy đánh thức nàng công chúa ngủ quên trong rừng bằng nhiều giải pháp để du lịch Bình Thuận thực sự là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tiềm năng của tỉnh.

Hà Thu ThỦy