Phát triển du lịch tại  thị xã L

Phát triển du lịch tại  thị xã La Gi: “Bình dân” thắng thế

 Nườm nượp người, xe

BT- …Hàng chục xe các loại của nhiều tỉnh, thành khác nhau, trong đó không ít xe mang biển số miền ngoài có mặt tại Khu du lịch Cam Bình (KDLCB) trong  mấy ngày lễ (30/4, 1/5…) vừa qua. Xe nhiều đồng nghĩa với người đông. Có hàng trăm người, hành lý gọn nhẹ trên tay, trên vai hăm hở đổ về mấy dãy quán xá trong khu du lịch. Ít có nơi nào mà một khu du lịch đang trong thời gian xây dựng vẫn nườm nượp khách đến như KDLCB!

Khu du lịch Cam Bình.

Chủ quán Hương Nguyên, một phụ nữ ngoài 40 tuổi tên là Nguyễn Thị Hoa, nói với tôi: “Lâu nay chúng tôi lấy chất lượng phục vụ và giá cả phải chăng làm đầu nên khách đã đến Cam Bình một lần thì y như rằng sau đó họ đều ghé lại và nhiều người  trở thành khách “ruột” của chúng tôi”. Chuyện về thu hút khách của Hương Nguyên có lẽ cũng giống các quán: Tư Khỏe, Ngọc Vy, Ánh Châu, Thúy Lài… và nhiều quán khác trong KDLCB  bởi quán nào cũng đông khách. Khách ngồi chật các lều bạt bên dưới rừng dương, bên ngoài  bãi biển. Chị Nguyễn Thị Hương Thơm, nhà ở xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh đưa bà con họ hàng xuống KDLCB  từ sáng sớm ngày 30/4, cho hay: “Mấy đứa em tôi đi đông, đi tây rồi cũng rủ nhau về đây. Thật ít có khu du lịch “2 trong 1” nào được như Cam Bình”. Rồi chị nói thêm: “Hải sản ở đây là nhất đó anh: Vừa tươi vừa sạch. Chỉ cần mua rồi thuê chủ quán chế biến, cả nhà sẽ có bữa ăn ngon với giá vừa phải. Anh thấy không, du lịch bình dân mà toàn xe sang và đông hết biết”. Nhận xét của người phụ nữ đó quả không sai. Để đáp ứng hải sản cho KDLCB phải kể đến làng chài Tân Phước. Ngư dân của làng đa phần đi biển bằng thúng chai, tối đi sáng vào bờ, cá, mực  bán hết cho khu du lịch, vì vậy hải sản Cam Bình luôn bảo đảm phẩm chất. Điều đó rất cần đối với du khách, những người một khi đã đi về vùng biển đều mong được thưởng thức những gì “ngon” nhất của biển. Trong lúc chuyện trò, nhiều du khách tỏ ra am hiểu về KDLCB. Một thanh niên cho hay: Khu du lịch  đang được xây dựng lại. Sau khi hoàn chỉnh sẽ rộng khoảng gần 9 ha, bao gồm khu A và B. Khu A  rộng 3,4 ha thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Khu B rộng 5,25 ha là đất sản xuất và đất ở của 27 hộ dân. Người dân được khuyến  khích xây nhà nghỉ, điểm vui chơi, điểm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.  Tổng  mức đầu tư  cho  hạ tầng  khoảng 12 tỷ đồng và sẽ được triển khai trong vài năm. Người thanh niên này cho hay, đang chờ ngày KDLCB hoàn tất xây dựng để đấu thầu một kiot trong khu ăn uống - dịch vụ.

 Một sự tương phản 

Trong khi KDLCB nườm nượp người đến thì một khu du lịch khác là Khu du lịch Đồi Dương (phường Bình Tân), nơi có một số resort và bãi tắm công cộng lại lâm vào cảnh vắng thưa khách. Chúng tôi trò chuyện với chị bán nước tại cổng Khu du lịch Đồi Dương được chị cho biết: “Khách đến Đồi Dương tắm biển rồi đi ngay. Có một số khách nghỉ lại tại vài resort gần đây thì thời gian không dài”. Vì sao Khu du lịch Đồi Dương được nhiều người biết lâu nay, hình thành trước KDLCB vẫn vắng khách, gần như không phát triển? Thay vào đó, người ta bắt gặp  những căn nhà tôn, nhà vách ván cũ kỹ, trồi ra thụt vào... Tại đây cũng chẳng thấy loại hình dịch vụ nào khả dĩ tạo sức hút với du khách. Qua trò chuyện  với một vài người am hiểu, được biết: Một lượng không nhỏ đất trong Khu du lịch Đồi Dương hiện nay đã giao cho dự án. Nhưng sau đó với nhiều lý do các dự án không hoặc chậm xây dựng, gây nên tình trạng hoang phí đất đai. Khắc phục tình trạng trên, thị xã La Gi, một là tiếp tục kêu gọi đầu tư du lịch, tạo mọi thuận lợi cho chủ dự án du lịch triển khai dự án; hai là trong khả năng có thể, xúc tiến  xây dựng Khu du lịch cộng đồng Đồi Dương mà trong kế hoạch phát triển thị xã đã đặt ra. Trong lúc chưa làm được việc đó cũng nên hướng dẫn người dân đang kinh doanh giữ gìn môi trường, cảnh quan tại Đồi Dương để thu hút du khách.

Trần Thị La Gi