Bình an Cổ Thạch tự
Bình an Cổ Thạch tự
BT- Trong thời gian gần đây, nhiều
lễ hội văn hóa ở nhiều tỉnh, thành có dấu hiệu mất an ninh trật tự, ảnh hưởng
nghiêm trọng bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tác động lớn đến mỹ quan, vẻ tôn
nghiêm của các công trình văn hóa - lịch sử. Khu di tích lịch sử văn hóa (LSVH)
Cổ Thạch tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, vốn là một trong những điểm đến ưa
thích của nhiều du khách, người hành hương khi đến với Bình Thuận, nhất là vào
các dịp lễ hội trong năm. Chỉ tính riêng từ Tết Ất Mùi đến rằm tháng giêng năm
2015, Khu di tích LSVH Cổ Thạch đã đón gần 19.000 lượt du khách thập phương đến
tham quan, chiêm bái, vui chơi, nghỉ dưỡng. Do đó, công tác giữ vững an ninh
trật tự luôn được chính quyền địa phương và nhân dân cùng đồng lòng thực hiện.
|
Tình hình an ninh trật tự tại chùa Cổ Thạch
được đảm bảo trong dịp lễ hội vừa qua. |
An ninh trật tự
được đảm bảo
Những năm trước, tình hình an ninh
trật tự tại khu di tích có nhiều vấn đề bức xúc, như nạn trộm cắp, ăn xin, đua
xe, cầu đề... diễn ra nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ tôn nghiêm của di
tích. Ông Huỳnh Công Thành, Trưởng Ban quản lý Khu di tích LSVH Cổ Thạch chia
sẻ: Để loại bỏ các tệ nạn trên, góp phần giữ vững an ninh trật tự, trả lại sự
tôn nghiêm cho Cổ Thạch tự, ngay từ đầu năm 2015, Ban quản lý khu di tích cùng
chính quyền xã Bình Thạnh đã họp bàn, thống nhất các hoạt động chung nhằm phục
vụ tốt nhất cho du khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Ban quản lý kết hợp với lực
lượng dân phòng, công an xã, biên phòng... tổ chức trực ban, tuần tra 24/24 giờ
trong các ngày cao điểm; thành lập các chốt an ninh tại 3 phân khu của khu di
tích gồm: trung tâm khu du lịch, chùa Cổ Thạch và bãi đá Cà Dược. Du khách đến
với Cổ Thạch luôn được cán bộ quản lý thông báo nội quy khi tham quan ngay tại
cổng chào, nhờ vậy mà tình hình an ninh trật tự được ổn định. "Từ đầu năm đến
nay, chưa thấy vụ việc mất an ninh nào. Nạn ăn xin, cướp giật gần như không còn,
tôi cảm thấy an tâm hơn khi buôn bán tại đây", chị Nguyễn Thị Bé, tiểu thương
buôn bán hàng lưu niệm chia sẻ.
Trong lần về thăm chùa Cổ Thạch gần
đây, chúng tôi gặp anh Lê Hữu Tài, du khách đến từ Tây Ninh. Anh cho biết:
"Trong 4 năm qua, năm nào tôi và gia đình luôn đến chùa Cổ Thạch viếng, tắm
biển. Ngại nhất khi đến đây là hiện tượng trẻ em ăn xin, nhưng bây giờ thì gần
như không còn".
Không đốt vàng mã
tại khu di tích
Không những tình hình an ninh trật
tự đảm bảo, xã Bình Thạnh còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm
Y tế huyện Tuy Phong tổ chức các đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phát tờ
rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Ngoài ra thông qua hệ thống loa phát
thanh, xã cùng Ban quản lý còn tổ chức tuyên truyền cho du khách, người dân,
tiểu thương kinh doanh... việc thực hiện Nghị định 103, Nghị định 158 về cấm
"đốt vàng mã nơi công cộng", vốn thường tái diễn tại bãi đá Cà Dược thuộc Khu di
tích Cổ Thạch. "Phần lớn người vi phạm việc đốt vàng mã là khách du lịch. Từ khi
có nghị định, lực lượng dân phòng và công an xã phối hợp chặt chẽ trong công
tác, cộng với việc người dân và tiểu thương kinh doanh cùng chung sức tuyên
truyền cho du khách, kịp thời báo cáo các hành vi đốt vàng mã cho các chốt an
ninh... nên hiện tượng này ngày một ít dần, đến nay gần như không còn tái diễn",
ông Phạm Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết thêm.
Việc người dân cùng đồng lòng với
chính quyền địa phương, Ban quản lý khu di tích đã góp phần giảm thiểu tình
trạng mất an ninh trật tự, giảm thiểu một cách tốt nhất hành vi đốt vàng mã nơi
công cộng tại Khu di tích LSVH Cổ Thạch, tạo cái nhìn thiện cảm hơn trong mắt
khách thập phương, để mỗi lần tham quan, viếng chùa là du khách được về với chốn
linh thiêng, tôn nghiêm của một thắng cảnh nổi tiếng, di tích văn hóa cấp quốc
gia.
Đình Hậu