Đâu là mô hình

Đâu là mô hình, giải pháp phát triển du lịch cộng đồng?

BT- Du lịch cộng đồng là loại hình hiện được nhiều đối tượng du khách ưa chuộng, bởi nó đem lại cho họ những trải nghiệm thú vị về cuộc sống ở từng điểm đến. Với mục đích tìm kiếm mô hình, giải pháp phát triển du lịch cộng đồng phù hợp điều kiện địa phương, mới đây Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH, TT & DL) Bình Thuận đã phối hợp Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề này… 

Bình Thuận là địa phương có điều kiện phát triển loại hình du lịch cộng đồng nếu khai thác hiệu quả các làng nghề (gốm, dệt, làng chài...) hoặc mô hình trang trại (thanh long)

Nỗ lực, quan tâm, chia sẻ nhiều lợi ích đến cộng đồng dân cư

Ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở VH, TT & DL Bình Thuận cho biết: Hiện nay nói đến du lịch cộng đồng, mọi người đều cảm nhận tài nguyên du lịch của địa phương mình vô cùng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, không phải tất cả các tài nguyên này đều được khai thác phục vụ sự phát triển du lịch, mà chỉ những tài nguyên có sức hút đối với khách du lịch và có các điều kiện nhất định thì mới có thể khai thác được. Điều đặc biệt quan trọng là phải xây dựng được cơ chế chia sẻ lợi ích trong việc phát triển du lịch cộng đồng giữa Nhà nước - cộng đồng dân cư địa phương và doanh nghiệp trong quá trình khai thác, phát triển du lịch cộng đồng.

Thực tế, khách du lịch đến Bình Thuận không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn vì bản sắc văn hóa, ẩm thực, nét đẹp hiền hòa của người dân nơi đây… Vì vậy, du khách sẽ cảm thấy ấn tượng và hài lòng hơn với điểm đến có dân cư thân thiện, vui vẻ, mến khách mà điều này được xây dựng từ nhận thức cũng như hành động đúng của cư dân địa phương. Do đó cần nỗ lực, quan tâm, chia sẻ nhiều lợi ích đến cộng đồng dân cư, cho họ thấy được lợi ích mà họ được hưởng từ các hoạt động mang lại, góp phần tích cực trong việc hình thành nên loại hình và sản phẩm du lịch… 

Tạo điều kiện cho du khách tương tác, trải nghiệm…

Đi nhiều, tiếp cận nhiều để hiểu rõ hơn về loại hình du lịch cộng đồng ở các nước trên thế giới, T.S Nguyễn Ngọc Thơ và Th.S Bùi Việt Thành - Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP. HCM cũng đã đưa ra kết luận về vấn đề này. Đó là: Du khách thời hiện đại và hậu hiện đại luôn đòi hỏi sự trải nghiệm, nhập thân văn hóa trong hoạt động du lịch, chính vì thế xu hướng phát triển du lịch cộng đồng là tất yếu, hết sức có ý nghĩa về kinh tế - văn hóa. Du khách hiện đại đòi hỏi sự tương tác đa chiều giữa cư dân bản địa với du khách, giữa cư dân bản địa và truyền thống văn hóa của họ, giữa họ và môi trường sống của chính mình…

Một số kinh nghiệm triển khai du lịch cộng đồng trên thế giới cho thấy tùy thuộc vào bản chất và đặc trưng loại hình tài nguyên hiện có mà các cộng đồng Âu, Á, Mỹ lại lựa chọn phương thức phối hợp khác nhau giữa 3 nhóm sinh thái, lịch sử - văn hóa và sự tham gia của cộng đồng… Trong tất cả các xu hướng ấy, Âu - Mỹ thiên về khai thác sự cộng cảm giữa du khách với quá khứ (di sản) và hiện tại (sinh hoạt lễ hội, gặp gỡ - đối thoại với cộng đồng). Còn với khối các nước đang phát triển như châu Á thì thiên về cung cấp dịch vụ homestay và cơ chế cấp cho du khách một địa vị “người trong cuộc” hay “người nhà” trước khi tạo điều kiện cho họ tương tác, trải nghiệm. 

Nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

 Liên quan vấn đề, T.S La Nữ Ánh Vân - Phó phụ trách Khoa Du lịch Trường ĐH Phan Thiết cho rằng, du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Trong điều kiện hiện nay, khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều bất cập, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên chăng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn địa phương có điều kiện phát triển thí điểm, từ đó nhân rộng mô hình… Vì vậy, cần thiết có chiến lược và lộ trình đầu tư phát triển các điểm du lịch. Khi điểm cộng đồng được lựa chọn là điểm du lịch thì cần phải quy hoạch chi tiết phát triển theo định hướng thị trường lâu dài, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, quy hoạch này phải được sự tham gia đóng góp không chỉ của chuyên gia về các lĩnh vực mà còn được tham gia đồng thuận của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương lẫn các doanh nghiệp…

QUỐC TÍN