Còn đó ngày xưa

Còn đó ngày xưa!

 Nhà thủy tạ ở đập Đá Dựng

BT- Khi hoàn thành con đập ngăn Sông Dinh ở Đá Dựng (phường Tân An - La Gi) vào năm 1958, tiếp đến là xây một nhà thủy tạ mô phỏng hình dáng ngôi chùa Một Cột ở Hà Nội trong lòng hồ của đập. Cho nên cũng có tên gọi là chùa, dù không có thờ phượng gì mà chỉ là một sàn gạch hoa làm chỗ nghỉ chân, ngắm cảnh. Nhà thủy tạ xây vuông vức mỗi cạnh 2,5m, nhưng có khác là 2 tầng mái đều xuôi thẳng 4 góc, lợp ngói âm dương, phần đuôi biểu trưng hình chim phượng. Bốn trụ tròn ở thế đỡ đuôi mái tầng dưới và cũng là bốn phía hành lang được trang trí cách điệu chữ vạn lồng ghép vào nhau. Trụ chính nâng cả công trình có đường kính cỡ 1,5m, cách mặt nước hồ lòng đập khoảng gần 2m được xây vững chãi nhưng với độ cắm chặt xuống đáy sông cũng phải hàng chục mét. Phía hạ lưu chân đập có xây hình “long ngư vượt vũ môn” và tượng sư tử nằm cạnh những khối đá đủ dáng hình xen lẫn cây xanh.

Ngày ấy, từ bờ đập cạnh cửa thoát nước có bắc chiếc cầu phao, lót gỗ nối dài với nhà thủy tạ. Đứng ở bờ hữu ngạn sông Dinh nhìn qua phía bên kia, dọc bờ có những dàn hoa xây bằng trụ cột bê tông. Với bờ bên này gần 2 mẫu đất công viên điểm xuyết nhiều bồn cây, hoa kiểng. Đặc biệt là một rừng hoa anh đào bản địa, với những đài hoa màu hồng phấn phủ lên vòm lá xanh tươi, râm mát bốn mùa. Từ vị trí chùa Một Cột có thể nhìn thấy đoạn sông phía thượng nguồn như bức tranh thủy mặc, soi bóng rặng tre và cây lá đôi bờ êm ả. Bên dưới phẳng lặng hồ nước trong xanh, tung tăng đàn cá bơi lội. Có lẽ, đây là một tiểu phẩm phong thủy mà viên tỉnh trưởng thời ấy với dụng ý sẽ tránh tà, khử hung cho địa vị của mình. Hai năm sau, một cơn lũ từ nguồn cao tràn xuống đã đẩy sập công trình này. Nhưng trong ký ức người dân ở đây cũng gần 60 năm, coi đó là một công trình kiến trúc nghệ thuật, độc đáo trong khung cảnh sông nước hữu tình.

 Rừng dầu Tân Lý

Nay còn sót lại một cụm rừng nguyên sinh khoảng trên 1ha loại cây dầu long ở gần khu Mã Thánh, thuộc làng Tân Lý (xã Tân Bình - La Gi). Những cây cổ thụ loại dầu long có đến tuổi trên trăm năm, chứng nhân sự biến thiên của một vùng đất đang chuyển dần đến ngưỡng cửa đô thị hóa. Dầu long còn gọi là dầu bao, chò long… có cây cao đến 40m, tán rộng và đường kính khoảng 80cm. Người dân địa phương khai thác dầu bằng cách khoét ở phần gốc của thân cây làm miệng lấy nhựa dầu. Cách quản lý ngày xưa bằng sự tự giác của người dân trong vùng, miệng dầu của ai nấy lấy, dù trong rừng vắng mà không trộm cắp của nhau. Có khi phải dùng vỏ cây tràm đốt lên để kích thích nhựa chảy ra nhiều hơn. Dầu long là nguồn nguyên liệu đặc biệt và không thể thiếu của một thời chưa tiếp xúc với những điều kiện khoa học hiện đại.

Dầu long trộn với vỏ tràm, bó thành cây dài đến 1m làm đuốc thắp sáng. Dầu long là một loại keo chống thấm đặc biệt, bảo vệ chất gỗ, tre rất bền bỉ được ngư dân dùng xảm ghe thuyền, trét thúng chai theo kinh nghiệm nhiều đời. Những hợp chất công nghệ sau này vẫn chưa làm mất đi sự tin cậy của ngư dân địa phương trong sử dụng bảo quản ghe thuyền. Nước dầu long dẻo tựa mật ong và khi được trộn với bột chai rừng sẽ tạo thành vỏ bọc chống thấm, chống gỉ sét cho ghe thuyền không thua gì lớp composit hay loại sơn công nghiệp ngày nay. Chỗ khe ghép ván gỗ hay lỗ nêm mộng tán đóng ghe thuyền cũng phải cần đến dầu long. Hình ảnh cây dầu long với thân cây xù xì, mang nếp nhăn nheo của thời gian đã thấm đậm trong đời sống ngư dân La Gi. Bởi đây là một loại sản vật rừng truyền thống và tính sáng tạo từ tiềm năng thiên nhiên phong phú của địa phương.

 Cây me Tây gần 60 năm

Đây là cổ thụ được trồng cùng lúc xây dựng Tòa hành chánh thuộc khu vực tỉnh lỵ Bình Tuy vào năm 1958, nay là trụ sở UBND thị xã La Gi. Như vậy, đến nay đã gần 60 năm. Cây có tên me Tây hay còn gọi là muồng ngũ, cây còng, thuộc họ đậu (Fabaceae) gốc từ châu Mỹ. Loại cây này thường được trồng ở không gian rộng vì có tán lớn, xum xuê bóng mát, hoa li ti vàng đỏ.

Trong qui hoạch đô thị dưới chế độ cũ, khu vực này trước đây nguyên là rừng già rậm rạp có các địa danh lịch sử Láng Cát, Bưng Cần Câu… được chọn làm khu hành chánh tỉnh mới thành lập. Các con đường chính lấy giống me Tây làm chủ đạo trên thiết kế cảnh quan công viên, dinh thự được bố trí song song với 2 trục đường dọc công viên Nguyễn Huệ ngày nay tạo nên những mảng xanh hài hòa, thông thoáng. Nhưng hiện nay chỉ còn lẻ loi một cây cổ thụ me Tây này để người ta liên tưởng đến “bóng câu” thời gian và sự phát triển xã hội đã tạo nên diện mạo mới của La Gi ngày nay.

 Dấu tích thời mở đất

Nét độc đáo của di tích Vạn Phước Lộc (thị xã La Gi) vừa là dinh vạn thiết chế tín ngưỡng dân gian thường thấy ở vùng biển nhưng lại cũng có đình thờ Tiền hiền - Hậu tổ theo tập tục thờ Thành hoàng bổn cảnh của người dân vùng nông thôn. Cho nên từ mối quan hệ thờ phụng đó, quyết định về xếp hạng di tích quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào năm 2012, công nhận di tích với tên gọi là “Đình và Vạn Phước Lộc”. Trong khuôn viên di tích có điện thờ thần Nam Hải. Trước khám thờ có tẩm thờ hàng trăm bộ ngọc cốt cá Ông được lưu giữ từ nhiều đời, trong đó có bộ xương lớn cá Ông (còn gọi là Ông Đại) có cách đây trên 200 năm.

Cạnh bên, là điện thờ Thành hoàng bổn cảnh, là nơi thờ thần của làng dù không có sắc phong của nhà vua, không có ruộng làng, không cúng lệ tịch điền… nhưng trong tín ngưỡng dân làng đó là những nhân thần vô danh có công lập làng Phước Lộc và sau đó là các vị “khai canh, khai khẩn”.

 Đình và Vạn Phước Lộc, sau này được phục dựng theo lối kiến trúc tứ trụ, trang trí họa tiết hình tượng lưỡng phụng tranh châu, câu đối, hoành phi chữ Hán Nôm, ghi nhớ công lao bậc Tiền hiền - Hậu tổ đã mở đất lập làng.

Phước Lộc là địa danh lâu đời ở vùng đất La Gi. Từ khoảng năm 1867 đã có lưu dân từ các tỉnh miền Trung và sau đó là dân từ Nam bộ đến đây định cư, trở thành điểm cư dân tập trung đầu tiên của địa phương. Trong quá trình hình thành xóm làng, đời sống kinh tế ổn định, người dân vừa sống bằng nghề biển vừa sống bằng nghề nông đã thấy nhu cầu tâm linh tín ngưỡng không thể thiếu được và phải xây dựng dinh vạn và đình làng để làm nơi thờ phụng. Lúc trước dinh vạn thờ cá Ông tại địa điểm hiện nay, còn đình thờ Thành hoàng ở dải ruộng phía trong xa, gần Gò Thanh Minh. Trong chiến tranh cơ sở dinh vạn và đình làng bị tàn phá, nên khi tạo dựng lại được người dân thống nhất xây chung một nơi như bây giờ cho thuận tiện trong sinh hoạt, cúng lễ, hội hè. Vì đặc điểm trong đời sống kinh tế của gia đình, người lao động cũng vừa làm nghề biển và cũng là người trực tiếp làm nông. Cơ sở Đình và Vạn Phước Lộc hiện tại, chỉ là phiên bản theo cách kiểu bài trí ngày xưa nhưng hoàn toàn xây mới có tính kế thừa và lệ thuộc khả năng đóng góp tự nguyện của người dân. Nhưng đây có thể coi là dấu vết của thời kỳ đầu tiên lập làng mở đất ở La Gi. 

Xứ đạo Tân Lý 130 năm

Đặc điểm xứ đạo Tân Lý (Bình Tân) là nơi cư dân sống nghề nông nghiệp sớm nhất ở La Gi, kể từ năm 1885 khi linh mục Huỳnh Công Ẩn (thuộc địa phận Quy Nhơn) chiêu mộ những người dân ở làng Kim Ngọc (Phan Thiết) và dân địa phương gốc quê miền Trung về đây khai khẩn đất hoang, làm ruộng.

Đến năm 1893 dưới thời vua Thành Thái mới được công nhận và cho chuyển nhượng đất đai để lập thôn Tân Lý. Năm 1929, được chính thức thành lập “Họ Công giáo La Di”. Nhà thờ ban đầu, dựng tạm ở cạnh động Tân Long, về sau dời về địa điểm hiện nay. Kiến trúc xây dựng qua nhiều lần trùng tu nhưng có quy mô bề thế hơn khi xây dựng mới như ngày nay.

PHAN CHÍNH