Động Hòn Lan
Động Hòn Lan
BT- Dọc bờ biển Tân Thành (huyện Hàm
Thuận Nam) như một chuỗi dài địa danh huyền thoại. Từ Suối Nhum đến Cửa Cạn gần
24 km với Khe Cả, suối Ông Diên, Đá Dâm, Khe Gà, Hòn Lan, Đá Một… còn là những
cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Điều thường thấy ở những vùng nghèo khó như đất
nắng Tân Thành luôn tiềm ẩn niềm khát khao là sự yên bình trong cuộc sống, cho
nên nhiều địa danh khoác lên mình một sự tích hoang đường nhưng có giá trị nhân
văn, hướng đến nhân lành phúc đức. Trong đó, Hòn Lan có một chỗ đứng trong đời
sống tâm linh của ngư dân vùng biển địa phương.
Hòn Lan nằm cách xa mũi điện Kê Gà
khoảng 2 km, trên bờ biển phía Tây - Nam. Đây là một động cát cao nhưng phần
chồm ra biển, thật lạ lùng có mỏm đá hình thành bởi những phiến đá hình tổ ong,
màu xám đen chồng chất lên nhau được cho là dung nham núi lửa đã phong hóa từ
hàng nghìn năm xưa. Mũi Hòn Lan tạo ra bến đỗ và che chắn cho những chiếc thuyền
nhỏ, thúng chai của ngư dân Kê Gà, Cây Găng vào mùa gió chướng, biển động. Ngoài
khối đá lô nhô màu đen tuyền, lấp lánh kết dính vào nhau trên đỉnh động cao
nghiêng mình ra biển sóng, dưới chân động là bãi cát phẳng mịn màng và rải rác
những tảng đá mồ côi, lạc lõng chỉ nhô lên khi thủy triều thấp xuống, nhìn từ xa
tưởng chừng đó là bầy chim hải âu về đây phơi cánh đón nắng trời. Người dân Tân
Thành nằm lòng sự tích về động Hòn Lan. Kể rằng, ngày xưa có người thanh nữ tên
Lan đang tuổi lớn, xinh đẹp nhất làng, hàng ngày siêng năng đi ra đồng bắt ốc mò
cua để phụ giúp gia đình. Hôm ấy cô Lan mò cua ở bàu nước ngọt bên chân động Từ
Bi, gặp được nhiều cá nhưng không mang theo giỏ đựng nên cô ngậm một con cá rô
lớn vào miệng để dùng hai tay tiếp tục kiếm thêm cá. Không may con cá rô vùng
vẫy chui vào cổ họng và làm cho cô Lan nghẽn thở dẫn đến cái chết thương tâm. Về
sau, câu chuyện linh ứng của cô Lan, còn gọi là cô Rô truyền miệng nhau trong
dân gian. Nhiều người cho rằng oan hồn cô Lan qua chiếc bóng ẩn hiện, chập chờn
trên động cát cao vào những lúc chập choạng tối thật lạ lùng. Ngư dân trước giờ
ra biển thường ghé động cao thắp nén nhang để cầu sự an lành. Chỗ thắp nhang lâu
dần với những tảng đá được gom lại thành một nấm mộ vô danh đầy bí ẩn, nhưng
trong tâm tưởng mọi người coi đó là mộ cô Lan và trở thành tên gọi Hòn Lan từ
đó. Có lẽ từ sự cảm mến lòng hiếu thảo, tính cần cù của cô gái trinh trắng của
người dân quê nghèo này luôn ám ảnh trước những hiện tượng kỳ diệu của thiên
nhiên với một dải đồi cát hoang sơ, cây xanh thơ mộng.
Cạnh động cát Hòn Lan có một bàu
nước ngọt quanh năm mà ngư phủ thường ghé đến lấy nước để dùng, nằm dưới chân
động Từ Bi, trước đây là rừng cây xanh um tùm, có loài cây mang tên từ bi. Nối
với Hòn Lan là bãi biển của xóm chài Cây Găng với rặng dương xanh mượt mà, quyến
rũ. Ngoài biển chỉ vài chục mét nước, nổi lên một hòn đá lớn, trông như một
thiền sư ngồi cúi đầu khổ hạnh, hứng chịu những làn sóng dữ gầm gào để che chở
cho xóm chài nghèo khó được an lành. Cho nên ngư dân ở đây cũng có câu chuyện
linh thiêng về hòn Đá Một cô đơn. Đây là đoạn bờ biển đẹp và còn giữ được môi
trường sinh thái trong lành. Không biết từ bao giờ những thiếu phụ ở làng biển
này vẫn thường hát ru lời mộc mạc nhưng thấm đẫm nỗi nhớ nhung, trông đợi:
“Chiều chiều én liệng Hòn Lan/ Chim kêu Cửa Cạn, sao chàng biệt tin”. Tuy đã có
những khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô rộng hàng chục ha nằm dọc bờ trên 3 km như
Việt Pháp, Trung Sơn, Biển Hòn Lan… nhưng vẫn còn vắng vẻ và dáng đứng Hòn Lan
như đau đáu cùng mây nước ngàn trùng.
PHAN CHÍNH