Khám phá đất mũi La Gàn

Khám phá đất mũi La Gàn

BT- Khám phá những điều bí ẩn, nét độc đáo mới lạ của mũi La Gàn. Chuỗi điểm đến du lịch chùa Cổ Thạch Tự - đình làng Bình An - lăng Ông Nam Hải - mũi La Gàn có nhiều bất ngờ, thú vị cho du khách.

Vùng đất giàu truyền thống cách mạng xã Bình Thạnh (Tuy Phong) gắn liền với những di tích lịch sử được nhiều người biết đến. Ngoài chùa Cổ Thạch Tự, đình làng Bình An, lăng Ông Nam Hải thì mũi La Gàn cũng là một điểm nhấn, làm nên thương hiệu cho ngành du lịch Tuy Phong. Đất mũi La Gàn tọa lạc ở vùng ven biển của xã Bình Thạnh. Nơi đây có nhiều tảng đá cuội tự nhiên với nhiều hình thù nằm nhô ra biển, tạo nhiều hình dáng cho những ai thích du lịch khám phá.

Đất mũi La Gàn nhô ra sát biển thành đường vòng cung, tạo nét chấm phá độc đáo với cảnh vật hữu tình. Mỗi buổi sớm mai, mũi La Gàn đón ánh bình minh, những tảng đá được gọt rửa bởi con sóng nhỏ vỗ bờ. Những chiếc thuyền thúng của ngư dân sau một đêm đánh bắt, nối đuôi nhau cập bến, cảnh bình yên hiện diện với niềm vui của bao gia đình. Buổi trưa, La Gàn đắm mình trong ngọn gió biển lồng lộng thổi vào. Rừng dương lại nghiêng mình đón gió, đu đưa tạo nên âm thanh rì rào như đang thì thầm cùng sóng biển. Hoàng hôn buông xuống, hơi lạnh của gió biển, tạo cảm giác lâng lâng cho bao người.

Với điểm thuận lợi, đất mũi La Gàn một phần nằm giáp biển dài gần 2 km, trải dài và uốn cong, bên trên là động cát trắng với những đồi dương lá thấp xanh rì, kế bên là những tảng đá to, nhỏ đủ sắc màu đứng sừng sững hướng ra biển khơi, bên dưới là sóng biển xanh biếc vỗ bờ. Tất cả hòa huyện vào nhau, tạo bức tranh thiên nhiên thêm đặc sắc và sinh động.

Điều đặc biệt chạy dài theo đất mũi La Gàn là những bãi đá nhiều hình thù nằm xen kẽ nhau. Bên cạnh các bãi đá có hai “giếng nước ngọt”. Nói là giếng, chứ thật ra chỉ hai cái hố rộng khoảng 2 m2, có độ sâu chừng 2 m, được xây trên bãi đá nằm sát biển, hai giếng này lại có dòng nước ngọt, mát lạnh quanh năm. Theo ngư dân tại đây cho biết, có nước ngọt là do được lọc qua những tầng đá và những mạch nước ngầm từ động cát thấm ra. Đây là “hai giếng” được ngư dân sử dụng sinh hoạt sau những chuyến vươn khơi.

Có thể nói đất mũi La Gàn đã hội tụ sự phóng khoáng của thiên nhiên ban tặng. Những ngày nước cạn, tức ngày đầu tháng và giữa tháng là thời điểm thích hợp để mọi người về các bãi đá ven bờ biển vui chơi ngắm cảnh, một số ngư dân địa phương thu nhặt các loại hải sản như ốc các loại... Sau những giờ “săn tìm hải sản” là màn thưởng thức những hải sản qua bếp lửa than đỏ hồng. Người dân La Gàn hầu như không bao giờ bỏ qua các món ốc luộc hay cá nướng câu từ biển. Hương vị thơm ngọt của ốc, cá tươi ngon, mang nét đặc trưng vùng biển, cứ thế mà thả sức khám phá và cảm nhận.

Vùng đất Bình Thạnh hiền hòa với cuộc sống ngư dân vốn chân chất thật thà. Ngoài đánh bắt hải sản, ngư dân địa phương còn sống bằng nghề làm rẫy và vườn. Nằm sâu trong đất liền xen kẽ những động cát trắng là những gam màu xanh của mấy vườn rau, củ cải, đậu phộng, vườn chanh… được người dân sản xuất quanh năm. Gặp và trao đổi với người dân mới biết, sau chuyến biển là họ tập trung sản xuất hoa màu, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.

Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Bình Thạnh những điểm đến đầy thú vị. Trong ký ức của không ít người dân xã Bình Thạnh thì làng chài hiu hắt đất mũi La Gàn ngày xưa, nay đã đổi mới nhờ du lịch phát triển, cuộc sống ngư dân cũng thay đổi từ đây, họ chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Mũi La Gàn đã tạo ra một không gian yên bình với cuộc sống lắm đổi hiền hòa.

Nguyên Chân