Mời khách đến

Mời khách đến “vương quốc thanh long”

BT- Cuối năm 2014, đề tài “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam” đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận chính thức khởi động. Dù mới trải qua bước tọa đàm, trao đổi một số nội dung xúc tiến xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, song loại hình này rất được các bên liên quan kỳ vọng…

Sản phẩm tiềm năng

Trao đổi về nội dung này, ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho rằng đây là hoạt động có giá trị nhân văn và tác động lớn đến đời sống bà con trong vùng. Trước hết, đề tài sẽ được phối hợp triển khai thực hiện tại thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ - huyện Hàm Thuận Nam và sau đó tùy điều kiện mà nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn.

Đường từ QL 1A dẫn vào thôn đã được bê tông hóa.
Ảnh: Đ.H

Với lợi thế đã hình thành nên vùng chuyên canh và được mệnh danh “vương quốc thanh long” ở Việt Nam, các hộ dân nơi đây hoàn toàn có thể hưởng lợi từ loại hình du lịch cộng đồng khi tham gia mô hình. Hướng dẫn viên quốc tế Đinh Hoàng Tuấn  (Công ty TNHH TM & DV Du lịch Sao Mai) cho biết: Trước kia đơn vị cũng từng đưa vào khai thác thử nghiệm, nhưng không đạt kết quả như mong đợi. Bởi khi ấy, mô hình chưa phát triển tương xứng điều kiện cơ sở hạ tầng tại địa phương và đối tượng du khách cũng giới hạn, chủ yếu là những người có độ tuổi trên 50. Nếu đề tài sớm được triển khai, Sao Mai sẽ là một trong những đơn vị lữ hành đầu tiên đưa khách quốc tế và nội địa (các tỉnh thành phía Bắc) đến trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng bà con thôn Phú Mỹ…

Cùng quan điểm, hầu hết các thương hiệu lữ hành tham gia đưa khách đến Bình Thuận như Dima Tour, Ánh Dương, Anex Việt Nam, 1001 Đêm… đều nhất trí ủng hộ mô hình. Tuy nhiên để thêm phần hấp dẫn, có ý kiến cho rằng loại hình này nên có địa điểm tập kết, rồi cho du khách tự lái xe đạp hoặc vận chuyển bằng xích lô, xe trâu (bò) đến tham quan tận vườn thanh long. Đồng thời khẩn trương trang bị những kiến thức căn bản, hướng dẫn người dân tham gia mô hình thực hành du lịch, giúp du khách cảm giác thích thú trong lần đầu trải nghiệm ở “vương quốc thanh long”.

 Hy vọng từ mô hình…

Trong tiết trời se lạnh cuối năm, màu xanh bạt ngàn của những vườn thanh long tại thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ - huyện Hàm Thuận Nam như tươi tắn hơn, trông thật mát mắt. Con đường từ QL1A dẫn vào địa điểm sắp triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đã được bê tông hóa khá rộng, nên sẽ thuận lợi cho việc di chuyển của du khách… Ở thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ hiện có trên 660 hộ dân thì tất cả đều tham gia sản xuất thanh long với tổng diện tích khoảng 1.200 ha, trong đó có phân nửa sản xuất theo quy trình VietGAP.

Chuẩn bị đón nhận cơ hội mới, ông Lê Văn Châu (xóm 1, thôn Phú Mỹ) - hộ đang đầu tư trồng 1.000 trụ thanh long rất nhiệt tình ủng hộ thực hiện mô hình trên địa bàn. Ông phấn khởi: “Cả đời nông dân dầm mưa dãi nắng, nay được dịp phục vụ du lịch và giao lưu với nhiều đối tượng khách, vừa góp phần quảng bá trái thanh long Bình Thuận vừa có thêm thu nhập thì còn gì bằng”… Với tinh thần đó, hộ ông Nguyễn Văn Chín (xóm 3, thôn Phú Mỹ) sở hữu vườn thanh long diện tích 1,5 ha cho hay sẵn sàng góp sức đảm bảo môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp để làm hài lòng du khách, nhất là khách quốc tế khi đến trải nghiệm hoạt động nơi đây…

Dù mới trải qua bước tọa đàm, trao đổi một số nội dung xúc tiến xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, song loại hình này rất được các bên liên quan kỳ vọng. Để trở thành hiện thực, ngành chức năng và địa phương sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật về giao thông nông thôn, bảng chỉ dẫn, nhà chờ, trang thiết bị giới thiệu, vật dụng hỗ trợ khách khi tham quan… Vấn đề còn lại phụ thuộc vào các đơn vị lữ hành và hộ dân trong vùng có thể hiện quyết tâm, triển khai đồng bộ mô hình điểm tại thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ hay không. Nếu kịp thời nắm bắt cơ hội, loại hình du lịch cộng đồng này có thể đem lại hàng triệu USD/năm để qua đó đáp ứng lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp lữ hành - người dân địa phương.               

QUỐC TÍN