Dấu xưa Động Trắng ở cửa biển Ba

Dấu xưa Động Trắng ở cửa biển Ba Đăng

BT- Dọc dài 28 km bờ biển thị xã La Gi còn lạc lõng một phần đất rộng khoảng 50ha, nhưng được thiên nhiên ban tặng cho một cảnh quan lạ lẫm và thơ mộng. Ba phía là bờ biển hoang sơ và đồi cát cao nghiêng bóng xuống dòng sông đầy cây xanh quyến rũ. Đó là Động Trắng, một địa danh gắn liền với bao truyền thuyết và lưu dấu cư dân ngày xưa, nằm bên bờ tả ngạn cửa tấn Ma Ly (Sông Phan) và phía hữu ngạn là làng chài Ba Đăng (thôn Hiệp Thành, xã Tân Hải). Động Trắng thuộc thôn Hiệp Lễ (Tân Hải) ở vị trí địa hình cách biệt bên kia dòng sông Phan nên dễ nhầm đó là phần đất của xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Trong thời kỳ chống Pháp, La Gi thuộc vùng căn cứ kháng chiến, Động Trắng là trạm dừng chân của những chuyến hàng và khách bộ hành theo đường bờ biển ra vào với Phan Thiết. Nghỉ đêm tại đây nhưng khi sáng ngày, chọn lộ trình tránh được máy bay địch thì phải băng qua Gò Đình rồi xuyên rừng Suối Nước, Bàu Trâm, Bưng Cò Ke… để đến Phan Thiết.

Cốc Thần Long.

Sau ngày giải phóng 1975, Động Trắng vẫn chơ vơ một động cát cao vắng vẻ với rừng chồi hoang dại. Nhưng dưới con mắt thông đạt của nhà sư Ngộ Giải thuộc dòng Lâm Tế, từ chùa núi Tà Cú hạ sơn, thì nhìn thấy đây là mảnh đất an nhiên có thế phong thủy rất thích hợp làm nơi tu tịnh. Năm 1984 ngài dựng túp lều tranh, vách lá trên nền đất xưa của ngôi miếu cổ bị vùi lấp do máy bay Pháp tàn phá. Ngọn đồi cao mang dáng đầu rồng và phần đuôi kéo dài hàng trăm mét ra cửa biển Ba Đăng. Cho nên sư Ngộ Giải đặt tên nơi tu tịnh này là Thần Long và khiêm nhường coi đây chỉ là “Cốc” (chỗ ở ẩn) nhưng đông đảo bà con theo đạo Phật vẫn gọi là chùa. Đến nay, Cốc Thần Long đã xây được ngôi chánh điện và tượng Phật Di đà, tượng Nam Hải Quan Âm… bằng sự cúng dường của tín đồ Phật giáo từ La Gi, Tân Thuận, Phan Thiết và ở địa phương. Có phật tử sinh sống nơi xa nhưng phát nguyện góp hàng trăm triệu đồng cho chi phí thuê xe vận chuyển đất sỏi để làm con đường vào chùa dài 200 m, có người từ các phường Tân An, Phước Lộc, Phước Hội… không quản ngại đường xa, cách trở vẫn cần mẫn đến làm công quả vì ngôi chùa nghèo. Nhiều người còn kể cho nhau nghe về tài biến hóa, thần thông của nhà sư thuở khai sơn đã trở thành huyền thoại nhưng có ý nghĩa nhân văn, với những điều răn dạy chơn tâm. Danh tiếng về đạo hạnh chân tu của nhà sư Ngộ Giải cho đến ngày viên tịch (2011) đã thọ giới nhiều môn đồ có căn duyên theo con đường tu học. Như hòa thượng Quảng Nhàn hiện trụ trì chùa Cam Bình (La Gi), đại đức Nguyên Duyên trụ trì tịnh thất Phật Lâm (Tân Thuận) và một số nhà tu đang tiếp tục tu học tại các chùa ở Phan Thiết, Đồng Nai…

Trước đây, lối đến Động Trắng chỉ có phương tiện duy nhất bằng thuyền hay thúng chai để qua dòng sông Phan tại bến Ba Đăng. Nhưng nay có thể đi bằng xe máy, ô tô theo tuyến đường ĐT719 với đoạn rẽ từ Gò Đình vào chùa gần 2 km. Đứng trên ngọn đồi cát cao lộng gió, nhìn thấy ngọn hải đăng Khe Gà sẽ cảm nhận được những làn sóng xanh hiền hòa đang đánh thức giấc ngủ say của huyền thoại từ xa xưa đọng lại ở đây. Nếu khai thác nơi này trở thành điểm du lịch tâm linh sẽ tạo thêm một địa chỉ mới trong hệ thống du lịch ở La Gi.

ĐÔNG NGHI