TP
TP. Hồ Chí Minh
– Bình Thuận – Lâm Đồng:
Tam giác du lịch nhiều lợi thế
BT- Chương trình liên
kết tam giác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng
giai đoạn 2013 - 2018 đã được ngành du lịch 3 địa phương triển khai hơn 1 năm.
Đây được xem là mô hình sáng tạo nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của một
tam giác du lịch mang tính đặc trưng “Núi - Biển - Đồng bằng”…
|
Ảnh: Đ.Hòa |
Có thể thấy, vị trí địa lý
của TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng đã tạo ra một tam giác rất tiềm năng
bởi hội tụ gần như đầy đủ các điều kiện “cần” để phát triển du lịch. Trong đó,
TP. Hồ Chí Minh được ví như cửa ngõ đón khách quốc tế đến Việt Nam và là nơi có
nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ cao cấp đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng du
khách. Đối với Lâm Đồng thì “độc chiếm” lợi thế về khí hậu mà không gặp bất cứ
sự cạnh tranh nào từ các địa phương trong khu vực, đồng thời còn sở hữu một số
lễ hội đặc trưng như Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội văn hóa Trà… Riêng Bình Thuận
dần nổi tiếng với loại hình nghỉ dưỡng đẳng cấp, là “thủ đô resort của Việt Nam”
và hiện đầu tư phát triển mạnh các loại hình thể thao giải trí trên biển.
Theo nhận xét của ngành du
lịch 3 địa phương, thời gian gần đây Mũi Né - Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt
(Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong lẫn
ngoài nước. Cũng thông qua chương trình liên kết, hầu hết doanh nghiệp lữ hành
uy tín đã xúc tiến xây dựng và triển khai tour kết nối giữa 3 tỉnh thành với sản
phẩm du lịch đa dạng mang đặc trưng mỗi vùng miền là “Núi - Biển - Đồng bằng”…
Không những vậy, ngành du lịch của tam giác du lịch TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận
- Lâm Đồng còn tạo dựng hình ảnh chung có chủ đề: “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt -
Biển Mũi Né” để giới thiệu ra bên ngoài. Được biết sản phẩm này bắt đầu thu hút
sự chú ý của nhiều du khách, công ty lữ hành trong thời gian qua bởi qua chuyến
đi, mọi người có thể cảm nhận vẻ đẹp, tiềm năng, sức sống về một Việt Nam năng
động.
Qua năm đầu thực hiện Chương
trình liên kết tam giác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm
Đồng giai đoạn 2013 - 2018, kết quả đạt được là khá khả quan. Theo đó, ngành du
lịch của thành phố mang tên Bác tiếp tục giữa vị trí trung tâm trung chuyển và
đưa khách quốc tế đến Bình Thuận (bằng đường sắt), Lâm Đồng (đường hàng không)
ngày càng tăng. Thống kê từ những đơn vị lữ hành hàng đầu tại TP. Hồ Chí Minh
trong năm 2014 đã chứng minh điều đó. Tính đến đầu tháng 12 này, Công ty
Saigontourist đưa 17.697 lượt khách đi Bình Thuận (tăng 6.342 lượt) và 15.832
lượt khách lên Lâm Đồng (tăng 3.957 lượt). Đối với công ty Fiditour đã tổ chức
cho 14.320 khách ra Phan Thiết (tăng 4.350 lượt) và 3.567 khách đến Đà Lạt (tăng
1.345 lượt), cùng tham gia đưa khách còn có Công ty Du lịch Văn hóa Việt, Công
ty Du lịch Chợ Lớn, Công ty Du lịch Bến Thành, Công ty Viettravel, Công ty
Vietmark…
Mặc dù khu tam giác du lịch
có nhiều lợi thế, song ngành du lịch 3 địa phương TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận -
Lâm Đồng vẫn đang đối mặt không ít khó khăn. Rõ nhất là về giao thông đường bộ
chưa được xây dựng hoàn thiện khiến du khách từ trung tâm trung chuyển rất e
ngại khi quyết định “lên rừng” hay “xuống biển” để khám phá nét đặc trưng từng
vùng miền. Do vậy thời gian tới, các tỉnh, thành tích cực tác động đến cấp thẩm
quyền tăng cường đầu tư, sửa chữa nâng cấp kịp thời một số tuyến đường trọng yếu
nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng. Ngoài ra vấn đề hợp tác liên kết phát triển
sản phẩm mới cũng được ngành du lịch 3 địa phương quan tâm thực hiện trong năm
2015. Theo bà Võ Hoàng Tuyết Linh - Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Bình Thuận thì
cần phải hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các dự án đi vào
hoạt động, góp phần đa dạng loại hình dịch vụ. Đồng thời sẽ tạo điều kiện cho
doanh nghiệp kinh doanh du lịch có cơ hội giao lưu hợp tác, khảo sát sản phẩm
hướng tới hình thành các tour tuyến du lịch mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách.
Đ.QUỐC