Du lịch tâm linh ở La Gi

Du lịch tâm linh ở La Gi ?

BT- Nếu phác họa lại diện mạo du lịch ở La Gi một cách đầy đủ, phải kể đến điểm nhấn ban đầu của những dịp tế lễ Dinh Thầy Thím (Tam Tân) từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Lúc ấy La Gi với bãi biển còn hoang sơ, thơ mộng trải dài gần 30 cây số chưa phải là nơi thu hút đối với khách du lịch đến ngắm cảnh, nghỉ ngơi, giải trí… Cứ vào tháng 9 âm lịch, tết nguyên đán coi như là mùa lễ giỗ, tảo mộ Thầy Thím với hàng ngàn lượt khách thập phương vất vả xuyên rừng vào dinh để cúng bái và lội bưng đến Bàu Thông viếng mộ Thầy Thím. Càng về sau, phương tiện đi lại, đường sá thuận lợi thì số lượng người càng tăng. Bến xe khách lúc ấy chỉ là vài mảnh đất trống tại làng chài Tam Tân. Sau đó dời ra địa điểm mới là phần đất hoang cạnh bãi biển ngảnh Tam Tân bây giờ, để đáp ứng cho hàng trăm chiếc xe ô tô và hàng quán mọc lên trong những mùa lễ hội.

Lễ hội Dinh Thầy Thím Ảnh: Đ.Hòa

Khách đi cúng bái, lễ viếng Dinh Thầy Thím lại có dịp tiếp xúc cảnh sinh hoạt mua bán còn rất dân dã, chất phác của người dân vùng biển với những rổ cá, mực, tôm, ghẹ còn tươi rói mà giá rẻ đến mức không ai dám cò kè. Lại kề cạnh ngảnh Tam Tân là đoạn bờ biển lọt thỏm giữa hai đỉnh bờ Khê Gà và Tân Long, tạo ra hình cánh cung với sóng nước êm đềm, xanh trong quanh năm đã hấp dẫn khách gần xa bởi tận hưởng hương vị tuyệt vời của thiên nhiên vùng biển. Lúc đầu khách đi dinh chỉ nhằm mục đích cúng bái, cầu xin sự an lành, tài lộc…nhưng về sau lại kéo thêm người thân cùng đi vừa vãng cảnh vừa có dịp tắm mình vào một không gian huyền thoại với cảnh quan biển, rừng đầy sắc màu kỳ thú.

Tôi còn nhớ ông Trần Việt Hải lúc ấy là Chủ tịch UBND xã Tân Hải thuộc huyện Hàm Tân đã đột phá và mạnh dạn bảo vệ quan điểm của mình từ “lệ dinh” khai thác lợi thế biển để lấn sang kinh doanh du lịch sinh thái. Chọn vùng đất rừng cạnh chân động cát dốc Ông Bằng, nơi ghi dấu sự ra đời Chi bộ Đảng Tam Tân cuối năm 1930, làm bến bãi đậu xe rộng gần 2 ha và tạo điều kiện cho bà con địa phương buôn bán cho khách hành hương trên bãi ngảnh biển. Cụm từ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ở địa phương, có lẽ được nhiều người biết đến kể từ mô hình tự phát này. Tiếp đó với sự kiện nhật thực ở Phan Thiết năm 1995, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách mời gọi đầu tư du lịch thì ngay những năm đầu thế kỷ 21 có nhiều nhà đầu tư từ thành phố Hồ Chí Minh ra đặt vấn đề xin thuê đất để làm dự án du lịch biển. Đến năm 2005, tại Hàm Tân đã có trên 40 dự án trải dài dọc bờ biển được tỉnh chấp thuận.

Liên hệ với một số lễ hội Dinh Thầy Thím (La Gi), Nghinh Ông (Phan Thiết), Ramưwan (Bắc Bình), Katê (Phú Hài)…của Bình Thuận, đã có sức thu hút khách thập phương vừa đi cúng bái, cầu tài lộc vừa kết hợp đưa gia đình, người thân cùng đi du lịch tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng nhiều. Cho thấy du lịch tâm linh không còn giới hạn ở một số đối tượng như suy nghĩ lâu nay. Nhưng với thắng tích Hòn Bà thơ mộng, có thế đứng phong thủy và truyền thuyết Thiên y A na đã thành lệ vía truyền thống hàng năm vào ngày 23 tháng 3; với dinh vạn Phước Lộc ghi lại thời lập làng mở đất đang lưu giữ bộ ngọc cốt Ông Nam hải trên 200 năm được Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch công nhận là di tích quốc gia, nếu chưa có sự đầu tư tương xứng thì khó mà với tới mục tiêu phát triển xa hơn. Rồi sẽ mãi quanh quẩn ở phần “lễ” cầu ngư trong phạm vi tín ngưỡng của ngư dân địa phương, còn phần “hội” thì đơn điệu, không khai thác được giá trị tiềm ẩn, nét đặc sắc của văn hóa dân gian ở vùng biển này.

PHAN CHÍNH