Sản phẩm du lịch khác biệt
Sản phẩm du lịch khác biệt
BT- Bình Thuận đã và đang có nhiều
cố gắng trong thúc đẩy phát triển du lịch. Những tháng qua, mặc dù có sự xáo
động ở biển Đông, ít nhiều gây tâm lý lo ngại cho du khách, nhưng cả tỉnh vẫn
đón 1.850.400 lượt khách, đạt trên 50% kế hoạch năm 2014.
|
Lâu đài rượu Rạng Đông. |
Tuy nhiên, nhìn chung Bình Thuận còn
quá ít về lượng sản phẩm du lịch mang tính khác biệt. Trong khi đó một số loại
hình du lịch mà tỉnh vốn có tiềm năng như: tham quan di tích lịch sử - văn hóa-
nghiên cứu kiến trúc cổ người Chăm; thăm thắng cảnh kết hợp du lịch tín ngưỡng;
du lịch về nguồn; du lịch xanh… vẫn chưa chú trọng, đầu tư mạnh để phát triển.
Ai cũng hiểu chính sự khác biệt tạo
nên tính hấp dẫn của một vùng, một loại hình văn hóa... Tại Bình Thuận, văn hóa
Chăm là một sự khác biệt so với các dân tộc anh em khác trong cộng đồng và cũng
khá khác biệt với người châu Âu, châu Mỹ… vì vậy tạo nên sự thu hút. Chính các
kiến trúc cổ Chăm cần bảo tồn tốt để khai thác, phát triển du lịch. Ngoài ra,
Bình Thuận cũng nên chú ý đến các khu bảo tồn biển như Phú Quý, Cù Lao Câu (Tuy
Phong). Ở Cù Lao Câu rạn san hô còn giữ được độ bao phủ cao, là nơi rùa biển về
đẻ trứng và đặc biệt có loài trai tai tượng khổng lồ, nhiều loài cá cảnh biển
quý hiếm. Tại đảo Phú Quý ngoài 134 loài san hô cứng, 72 loài tảo biển, Phú Quý
còn có thảm cỏ biển rộng 600m và thỉnh thoảng xuất hiện loài bò biển ở khu vực
này…
Vấn đề đặt ra là làm gì để tạo ra
nhiều sản phẩm du lịch khác biệt? Nhiều người cho rằng cần phải tổng kiểm kê các
di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, qua đó nghiên cứu, tìm hiểu giá trị văn
hóa. Trên cơ sở đó giúp các nhà quản lý lựa chọn giá trị đặc sắc để biến thành
tài nguyên du lịch, đề ra chính sách đầu tư, tôn tạo và khai thác.
Với tài nguyên du lịch phong phú, đa
dạng, hy vọng Bình Thuận sẽ xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch khác biệt, góp
phần thu hút du khách đến Bình Thuận ngày càng tăng.
Quang Phát