Chủ tịch BTA Bình Thuận – ông Ng

Chủ tịch BTA Bình Thuận – ông Nguyễn Văn Khoa: Doanh nghiệp được lợi khi vào “ngôi nhà chung”

BT- Trước hết, xin chúc mừng Đại hội Hiệp hội du lịch (nhiệm kỳ 2014 – 2016) thành công tốt đẹp. Với cương vị tái cử Chủ tịch hiệp hội du lịch, ông có thể chia sẻ những mục tiêu lâu dài để gắn kết các doanh nghiệp, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Tôi nghĩ rằng, về lâu dài mục tiêu của Hiệp hội Du lịch (BTA) chính là đưa điểm đến Mũi Né  - Phan Thiết trở thành điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế. Và quan trọng hơn, du lịch Bình Thuận phải phát triển một cách bền vững. Vì lẽ đó, trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo, ngành du lịch địa phương cần tập trung: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến, quảng bá điểm đến Mũi Né - Phan Thiết; tiếp tục xây dựng tổ chức hội và phát triển cộng đồng. Bên cạnh đó, với chức năng đại diện cho nguyện vọng và lợi ích hợp pháp của hội viên, là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, hiệp hội sẽ góp phần phản ánh để giải quyết những yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Với thành quả tốt đẹp của tập thể Ban chấp hành, hội viên tâm huyết trong nhiệm kỳ qua, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia vào “ngôi nhà chung”  của hiệp hội, đây là nguyên nhân khiến cho hiệp hội chưa tạo được sức mạnh tổng hợp?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Thực tế, trong nhiệm kỳ qua thành quả đạt được không ít, tuy nhiên cũng không tránh khỏi thiếu sót. Rõ ràng nhất là do nhận thức của một số ít doanh nghiệp còn trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Đồng thời, tham gia vào “ngôi nhà chung” với mục tiêu muốn được hưởng lợi từ BTA mới tham gia, chứ chưa nhận thức tổ chức hội là cùng nhau chung tay thực hiện những việc chung, từ đó mới mang lại lợi ích riêng cho doanh nghiệp. Việc này các thành viên BTA sẽ thông tin đầy đủ hơn nữa để các doanh nghiệp hiểu và tích cực tham gia. Bên cạnh đó, một phần cũng do vai trò của BTA chưa đủ mạnh để có thể tác động giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp du lịch gặp phải trong quá trình kinh doanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu thành lập thêm 1 – 2 chi hội tại khu vực trọng điểm phát triển du lịch nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, có phải hiệp hội đang gặp khó khăn, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Đây cũng là vấn đề mà Ban chấp hành rất quan tâm. Đặc thù du lịch của Bình Thuận rất khác nhau, mỗi nơi có vị thế và đặc thù về bờ biển, nên việc thành lập các chi hội ở từng khu vực vừa qua chưa thực hiện được là do tìm kiếm người đầu tàu ở khu vực có đầy đủ đam mê, tâm huyết, nguồn lực để làm tiên phong và có sức thu hút hội viên. Với kết quả thành công từ đại hội lần này, tôi kỳ vọng nhiệm kỳ này sẽ thực hiện được vì Ban chấp hành nhiệm kỳ mới  đã bổ sung một số nhân tố mới vào BCH.

Tại nhiệm kỳ 2014 – 2016, công khai  thành lập Quỹ xúc tiến quảng bá, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hiệp hội và các doanh nghiệp? Nguồn quỹ này sẽ giúp được gì cho sự phát triển du lịch của địa phương?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Đây cũng là kết quả đầu tiên của đại hội lần này, khi chủ trương thành lập Quỹ xúc tiến quảng bá hình ảnh cho du lịch được đông đảo hội viên, doanh nghiệp đồng thuận. Định mức đóng góp của doanh nghiệp sẽ tùy vào từng doanh nghiệp, dao động từ 2 – 5 triệu đồng/đơn vị. Nguồn quỹ này, sẽ hỗ trợ trong việc quảng bá hình ảnh, trong những sự kiện lớn, hội chợ thương mại trong nước hoặc quốc tế để đưa hình ảnh du lịch địa phương gần hơn với các thị trường quốc tế và nội địa. Trước mắt, hiệp hội sẽ đồng hành cùng với các doanh nghiệp thực hiện những chương trình xúc tiến, quảng bá vào 5 thị trường trọng điểm như ITE – TP Hồ Chí Minh, VIIT – Hà Nội, Leisure – Moscow, ATE – khu vực ASIA và ITB – Đức. Đồng thời, cùng với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lựa chọn những sự kiện riêng của địa phương và xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương để thu hút du khách.

Quang Nhân (thực hiện)