New Page 1

 “Dách xây chừng thòn dzì”

BT- Nói đến chuyện đi uống cà phê hồi thập niên 1960 của thế kỷ trước,  những người cao tuổi nhớ ngay đến 3 “tiệm nước” ở Phan Thiết là: Nam Nhứt Viên, Tân Phương Viên và tiệm nước không bảng hiệu ở “Ngã tư Quốc tế”.

Đầu những năm 1960, Phan Thiết không có những quán của người Việt chuyên bán cà phê, giải khát như bây giờ. Người Phan Thiết muốn uống cà phê, thì phải đến những tiệm nước kể trên. Cả ba tiệm này đều do người Hoa Quảng Đông làm chủ. Tiệm Nam Nhứt Viên tọa lạc ở góc đường Đinh Tiên Hoàng – Trần Quốc Toản bây giờ (nay là một tiệm bán xe đạp). Tiệm Tân Phương Viên tọa lạc ở góc đường Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Huệ bây giờ, chéo góc với tiệm Nam Nhứt Viên, nay là Trung tâm vàng bạc đá quý VJC thuộc Agribank, còn tiệm nước không tên thì tọa lạc ở Ngã tư Quốc tế (tức ngã tư Ngô Sĩ Liên – Nguyễn Huệ, nay là một tiệm bán hoa tươi).

Những tiệm nước thời đó không chỉ bán cà phê mà còn bán các món điểm tâm sáng như: hủ tiếu mì, hoành thánh mì, bánh bao, bánh mì xíu mại, bánh tiêu, há cảo, dầu cháo quẩy, cơm gà… sau giờ điểm tâm sáng thì họ bán thêm các loại bánh ngọt như: su kem, bánh mì lốp, bánh quế, bánh neo, bánh chảy, bánh cam…

Tiệm nước của người Quảng Đông không bán cà phê phin, mà họ pha chế cà phê bằng túi lọc. Cà phê pha chế kiểu này có nhiều tên gọi: cà phê kho, cà phê vợt, cà phê siêu, cà phê vớ hay cà phê bít tất. Vợt để pha chế cà phê là một cái túi vải hình phễu (giống như chiếc vớ) được may liền với một vòng sắt có cán để cầm. Cà phê bột xay nhuyễn được cho vào túi thả vào trong cái siêu đất, nước sôi được rót vào trong túi và “kho” trong siêu đặt trên bếp lửa liu riu cho ra chất nước cà phê nóng ngút khói tỏa hương thơm ngát. Cà phê vợt nước đầu rất ngon, vì tinh chất cà phê được nhả hết ra trong nước, đến nước pha lần thứ hai thì cà phê đã kém chất lượng hơn, nước thứ ba thì gọi là cà phê dão, chỉ còn là một thứ nước lợ hơi có mùi cà phê, uống không ra gì. 

Khách của những tiệm nước ở Phan Thiết hầu hết là người lao động hay công tư chức có thu nhập trung bình. Nhiều người điểm tâm bằng một chiếc dầu cháo quẩy (bánh chiên dài) hay bánh tiêu chấm nước cà phê đen hay cà phê sữa cũng là xong. Buổi trưa thì vừa uống cà phê vừa ăn bánh ngọt, là một cái thú.

Thuở nhỏ, từ năm 12 tuổi, tôi được cha dẫn đi tiệm nước Nam Nhứt Viên nhiều lần, dần dần quen với phong cách gọi món của người Quảng Đông. Khách người Việt vào tiệm, cũng gọi món theo cách gọi của họ, dần quen. Ly cà phê đen cỡ nhỏ gọi là một cái “xây chừng”, ly cà phê đen lớn gọi là “tài chừng” hay “tài phé”, cà phê sữa là “xây nại”, cà phê nhiều sữa ít cà phê là “bạc xỉu”, trà đá chanh đường là “hồng xà xịt”, cà phê đá là “hắc quẩy”, ly đựng đá (để uống trà đá) thì gọi là “xịt tẩy”… Người  chạy bàn phục vụ khách thì gọi là “phổ ky”.

Một hôm, cha tôi dẫn tôi vào tiệm,  ngồi xuống xong bèn gọi một ly “xây chừng”. Người phổ ky đứng ngay tại bàn nói vọng vào trong:

- Dách xây chừng thòn dzì (một ly cà phê đen bàn số 2 ở giữa).

Câu nói lạ tai đó ghi đậm vào trí nhớ của tôi cho đến tận bây giờ.

Hoàng Cẩm