Du lịch Hàm Thuận Nam

Du lịch Hàm Thuận Nam: Vướng đền bù, tiềm năng còn “nằm” trên dự án

BT- Tại Bình Thuận, huyện Hàm Thuận Nam cũng là địa bàn ven biển sở hữu tiềm năng du lịch rất lớn, chỉ sau TP. Phan Thiết. Điều đó chứng minh qua số lượng thu hút dự án trên lĩnh vực du lịch, bởi có đến 71 dự án hiện còn hiệu lực đầu tư (không kể 12 dự án bị thu hồi do vướng Cảng Kê Gà trong thời gian trước kia). Thế nhưng, thời điểm này tại địa bàn Hàm Thuận Nam mới có 18 dự án đi vào hoạt động kinh doanh, nhưng trong đó vẫn có không ít dự án chưa đầu tư hết diện tích, hay chỉ đầu tư một số phòng để hoạt động. Còn lại 20 dự án có tác động hoặc đang thực hiện xây dựng, đồng thời có đến 33 dự án - tức chiếm gần ½ tổng số dự án đầu tư du lịch vẫn chưa triển khai.

KDL Việt Pháp - một trong những dự án hiếm hoi khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại địa phương.

Tính đến giữa tháng 7/2014 này, 33 dự án du lịch chưa triển khai trên địa bàn Hàm Thuận Nam có diện tích thuê đất là 374 ha, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1.920 tỷ đồng. Theo UBND huyện, nguyên nhân các dự án triển khai không đúng tiến độ chủ yếu là do vướng đền bù, tái định cư, chưa có đường vào dự án hoặc xuất phát từ tình hình kinh tế khó khăn… Dù vậy trong số dự án thuộc diện chậm triển khai, với khoảng 24/33 dự án của huyện ít nhiều vướng đền bù giải tỏa đã khiến tiềm năng du lịch nơi đây tiếp tục bị lãng phí.

Như dự án KDL Bờ Biển Vàng (4,59 ha), thời gian qua chủ đầu tư đã phối hợp với UBND xã Thuận Quý tiến hành họp dân nhằm thỏa thuận đền bù, song cũng không đem lại kết quả. Với Biển Ngọc Resort (9,5 ha), dự án này được chấp thuận đầu tư từ năm 2007 và đến nay vẫn chưa triển khai do các hộ dân thiếu thiện chí trong vấn đề đền bù giải tỏa mặt bằng. Tại dự án KDL Big Bear (10,2 ha), Công ty TNHH Kinh Bắc đã tiến hành đền bù cho 36 hộ, nay còn vướng 5 hộ chưa thống nhất giá đền bù với diện tích 1,1 ha. Hoặc như KDL Trung Việt (gần 2 ha), dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất cũng như đền bù theo quy định, thế nhưng đến giờ vẫn chưa triển khai ở phía đồi cát vì có 4 hộ dân không chịu nhận tiền…

Trên địa bàn Hàm Thuận Nam, qua tìm hiểu được biết hiện cũng có những dự án du lịch chậm triển khai chỉ vì vướng đền bù đối với một vài cá nhân liên quan. Chẳng hạn dự án KDL Ngọn Hải Đăng (54,8 ha), chủ đầu tư đã đền bù cho tổng cộng 69/70 hộ dân, chỉ còn duy nhất một trường hợp không đồng ý nhận tiền và chấp nhận bàn giao diện tích còn lại là 1.075 m2. Trong khi đó tại KDL Green Resort (4,42 ha), dù thi công san lấp mặt bằng từ năm 2008 nhưng lại bị cản trở bởi 2 hộ dân tranh chấp đất đai với dự án và kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đối với KDL Thái Anh (5,78 ha) thì còn 2 hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng lại chưa làm thủ tục chuyển nhượng, có một hộ gây khó khăn bằng cách rào chắn không để lối đi vào dự án.

Dường như vấn đề vướng đền bù đang là bài toán nan giải cho khá nhiều dự án du lịch tại huyện Hàm Thuận Nam, dẫn đến việc chậm trễ triển khai như điều tất yếu. Ngoài số dự án nêu trên, nơi đây còn có các dự án được “liệt” vào diện này từ quy mô lớn như Khu sân golf và biệt thự Hàm Thuận Nam (135,8 ha), KDL Honey Beach (12,22 ha) đến quy mô nhỏ là  KDL Hải Thành (1,98 ha), KDL Nhất Thôn (1,91 ha), KDL Nghỉ mát Việt - Nga (1,52 ha)… Trước thực trạng đó, địa phương đã đề nghị các sở ngành cấp tỉnh phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải quyết đền bù giải tỏa cho các dự án đang gặp vướng. Bởi tiềm năng du lịch tại một điểm đến được nhiều du khách ưa chuộng không thể “nằm” mãi trên các dự án.

 Đ.QUỐC