Giữ hình ảnh điểm đến

Giữ hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng”

BT- Ngành du lịch địa phương đã bắt đầu “đón nhận” những hệ lụy xuất phát từ những điểm nóng trên thế giới, trong đó có ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng trên biển Đông. Để tìm hiểu rõ hơn hoạt động của ngành hiện nay cũng như phương án ứng phó, chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở VH, TT & DL Bình Thuận về vấn đề này.

Trong tình hình mới, du lịch Bình Thuận đang nỗ lực giữ hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng”.

Thưa ông, trước diễn biến phức tạp của các điểm nóng trên thế giới, du lịch Bình Thuận có bị tác động tiêu cực?

Ông Ngô Minh Chính: Những diễn biến phức tạp từ các điểm nóng trên thế giới, đặc biệt trước tình hình căng thẳng trên biển Đông do Trung Quốc gây ra cũng ít nhiều ảnh hưởng đến ngành du lịch. Tại Bình Thuận, hiện đã có một số đoàn khách Trung Quốc hủy tour hè và các tour đặt trước vào cuối năm, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng lớn tình hình du lịch chung của tỉnh. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh ước đón được 1.850.400 lượt khách, tăng 8,18% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 50,01% kế hoạch năm nay. Trong đó khách nội địa có khoảng 1.628.230 lượt, còn khách du lịch quốc tế đạt 222.170 lượt, chiếm 12% tổng lượng khách và tăng 9,83% so cùng kỳ. Các thị trường khách quốc tế chiếm tỷ trọng cao là Nga (37,82%), Đức (9,05%), Pháp (3,36%), Hàn Quốc (3,6%), Anh (3,12%), Mỹ (2,96%)… Riêng khách Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2014 có khoảng 40.200 lượt, chiếm 14,56% tổng lượng khách quốc tế đến Bình Thuận.

Ngay mùa du lịch hè 2014, điểm đến Bình Thuận sẽ tiếp tục đối diện khó khăn trong thu hút lượng khách?

Ông Ngô Minh Chính: Nhận thức ảnh hưởng của tình hình, ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Du lịch thì ngành đã kịp thời yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện một số nội dung. Đó là: Duy trì và đảm bảo các hoạt động du lịch một cách bình thường, nâng cao chất lượng dịch vụ, có phương án đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối cho du khách, nhất là khách đến từ những thị trường nói tiếng Hoa. Bên cạnh đó còn thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin khi có những diễn biến mới và không để xảy ra hành động quá khích, kỳ thị, phân biệt đối xử với khách Trung Quốc… Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch cũng tích cực chủ động tìm kiếm nguồn khách khác như đẩy mạnh xúc tiến thị trường Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và một số nước ở Tây Âu, Bắc Âu, đặc biệt là khách nội địa để bù đắp lượng khách đã giảm.

Trước tình hình này, ngành và các doanh nghiệp chuẩn bị phương án ứng phó như thế nào?

Ông Ngô Minh Chính: Theo tôi, trước hết công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực du lịch cần tăng cường trên nhiều mặt, trong đó việc đảm bảo môi trường tự nhiên và xã hội phải xác định là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp các ngành quan tâm hơn trong chỉ đạo, thực hiện. Đồng thời, địa phương cũng cần chủ động đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận ra bên ngoài bằng nhiều hình thức, nhiều kênh nhằm phát triển thị trường khách du lịch mới. Thêm nữa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện chương trình kích cầu du lịch năm 2014, vận động các doanh nghiệp tham gia khuyến mãi với hình thức khác nhau… Qua đó duy trì và thúc đẩy tăng trưởng về lượng khách lẫn doanh thu, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, chất lượng đối với du khách.

Như vậy để giữ hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng”, thời gian tới ngành du lịch địa phương cần làm gì, thưa ông?

Ông Ngô Minh Chính: Trong giai đoạn sắp tới, bên cạnh việc tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch thì Sở sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp ngành thực hiện những giải pháp đồng bộ. Điều này cũng nhằm xây dựng hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng”, giữ vững thương hiệu du lịch như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng BCĐ Nhà nước về du lịch tại cuộc họp mới đây. Theo đó trong bối cảnh hiện nay thì ngành cần thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách như cứu hộ, cứu nạn ở các bãi tắm và hồ bơi, an toàn về vệ sinh thực phẩm, giải trí khi chơi thể thao trên biển, an toàn khi tham gia giao thông… Tiếp nữa là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định nhà nước về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đảm bảo chất lượng dịch vụ, ứng xử văn minh, thân thiện với du khách. Ngoài ra còn khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới, hấp dẫn và nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng với đó là làm tốt công tác vệ sinh môi trường, rà soát đầu tư xây dựng đủ nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, trang bị thùng rác tại các điểm tham quan, kể cả những tuyến đường có đông du khách…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

QUỐC Tín (thực hiện)