Nhớ gỏi mít
Nhớ gỏi mít, nhớ người La Gi…
BT- Tháng này ở thị xã La Gi, các
quán ăn hầu như đều bán gỏi mít. Có rất nhiều loại gỏi mít. Đó là gỏi mít với
thịt gà, với thịt ba rọi và da heo, với cá đuối, với cá cơm khô, với cá cơm
tươi… Có thể nói đây là món ăn không cầu kỳ nhưng “lạ miệng”.
Để chế biến gỏi mít, những người đầu
bếp đều phải mua quả mít non ở xã Sơn Mỹ (Hàm Tân) hoặc từ Tánh Linh, Đức
Linh, đưa về. Sau khi xẻ cả trái thành những tảng nhỏ, thì mang luộc trong
chiếc xoong đầy nước. Nước sôi một lúc thì dùng đũa con săm vào tảng mít,
thấy thủng, nghĩa là mít đã chín. Dùng đũa vớt mít non ra bên ngoài để nguội,
sau đó lấy dao gọt vỏ cho sạch, rồi xé mít thành những sợi nhỏ. Nếu là gỏi mít
trộn thịt gà, thì người đầu bếp chỉ cần luộc chín thịt gà, xé nhỏ, trộn với mít
non, rau răm và đậu phụng xay nhỏ, cũng như thêm một ít nước chanh để thịt gà và
mít non dính vào nhau, khó lòng phân biệt đâu là mít non đâu là thịt gà, cứ phải
thưởng thức mới biết! Còn nếu là gỏi với thịt ba rọi thì ngoài thịt xắt nhỏ (dĩ
nhiên đã luộc chín) còn phải thêm da heo để lấy sự béo, sự dai... Nhiều người
sau khi thưởng thức gỏi mít, cứ băn khoăn vì sao nó ngon mà không hề biết rằng
trong đĩa gỏi mít có sự chát (mít non), ngọt (của thịt), bùi (của đậu phụng
rang xay nhỏ) và vị chua (của nước chanh). Đó là thức ăn vừa tăng độ đạm nhưng
rất dễ tiêu, kết hợp được yếu tố âm dương song hành trong thực phẩm, tăng cường
sức khỏe... Lâu ăn gỏi mít một lần, với một chút rượu nhẹ góp phần làm sinh động
bữa ăn. Khi đêm về, những người vợ đã qua thì xuân sắc vẫn thấy lòng lâng lâng,
trằn trọc, băn khoăn hỏi chồng, vì sao như thế thì chồng lại khe khẽ đáp rằng,
chắc tại mưa thưa bên ngoài!
Những ngày tháng này La Gi không ít
du khách ghé thăm, nhiều người cứ đi tìm gỏi mít để thưởng thức. Thế mới biết
rằng, chẳng phải cao lương mỹ vị, một món ăn dân dã đồng quê nhưng nếu gặp
phải người biết chế biến cũng làm say lòng du khách, từ đó khách nhớ đến tên
đất, tên người chế biến, những người thân quen trên đường du lịch mình gặp…
Trần Thị La Gi