Đến
Đến “đảo ngọc” cảm nhận nhà tù Phú Quốc
BT- Nhà tù Phú Quốc là một trong
những điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đặt chân lên “hòn đảo ngọc”...
Nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ
quốc, cách đất liền 120km, Phú Quốc được nhiều người tìm đến không đơn thuần để
vui chơi trên những bãi biển đẹp hay thưởng thức các đặc sản, hải sản tươi ngon…
mà là hiểu hơn sự dã man của nhà tù Phú Quốc. Nơi mà bây giờ đã thành khu di
tích lịch sử nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
|
Hình ảnh những tên cai ngục dùng gông, cùm,
dao, búa, đinh đủ loại… để hành hạ người tù. |
Nhà tù Phú Quốc nằm tại thị trấn An
Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp
hạng năm 1993, từ một nhà tù với quy mô gần 500 nhà giam, đến nay chỉ còn lại 4
nhà nguyên gốc cùng một số cổng chào, bộ khung cửa nhà thờ và các nền đá. Khu di
tích lịch sử nhà tù Phú Quốc ngày nay không rộng, nằm trên khu vực chính nhà lao
cũ, đã được phục hồi, tôn tạo một số hạng mục, công trình như: nhà giam, nhà ăn,
nhà bếp, nhà canh giữ của giám thị, phục hồi đường ngầm vượt ngục, nhà trưng bày
hiện vật (hai tầng), đài tưởng niệm tù nhân và khu trưng bày ngoài trời những
hiện vật nguyên gốc, tất cả hầu như đều được giữ nguyên vị trí.
Mọi du khách khi đến tham quan nhà
tù đều có nhân viên phụ trách việc thuyết minh và hướng dẫn khách xem khu trưng
bày hiện vật, xem phim tư liệu hay những bức ảnh về nhà tù có 4 góc chòi canh
cao hơn 10m luôn có lính gác 24/24 giờ với ống nhòm, súng máy, bao quanh là từng
hàng dày thép gai cùng lính canh, chó dữ, những danh sách tù nhân, những hình
nộm mô tả lại cảnh tra tấn người tù và nhiều bằng chứng khác tố cáo tội ác man
rợ của những tên cai ngục dùng như gông, cùm, dao, búa, đinh đủ loại… để hành hạ
người tù.
Rời khu trưng bày hiện vật, theo
chân thuyết minh viên, du khách tiếp tục vào các khu bên trong, đập vào mắt mọi
người là những “chuồng cọp kẽm gai” đặt ngoài trời. “Đây là một trong những hình
thức tra tấn nhằm làm suy kiệt thể chất, tinh thần của những tù nhân cứng đầu
nhất!”, thuyết minh viên nói.
Ngoài chuồng cọp, trong các khu số
15, số 16 là những mô hình được dựng lại các cảnh tra tấn tù nhân rất dã man.
Mỗi năm, Khu di tích lịch sử nhà tù
Phú Quốc đón hàng vạn lượt người đến tham quan, trong đó có không ít người tù cũ
vẫn thường quay trở về để thăm lại nơi mình bị giam giữ trước đây. Với du khách,
đặc biệt là giới trẻ, học sinh được mắt thấy, tai nghe những gì đã diễn ra đối
với các chiến sĩ cách mạng, càng cảm phục lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, bất
khuất, hiên ngang của cha ông và cả sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh.
Trinh Thơ