Đảo Phú Quý
Đảo Phú
Quý: Bình yên và thơ mộng
BTO- Ngồi
gần 6 tiếng đồng hồ trên tàu, chúng tôi đã đến đảo Phú Quý vào một ngày đầu
tháng 4, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí cũng như khám phá nét bình dị, thân
thương của những người con xứ đảo.
Người dân đảo sung túc,
hào sảng
Điểm ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước chân lên đảo là nguồn nước ngọt khá
dồi dào. Khác hẳn với những hòn đảo nằm xa đất liền lúc nào cũng sống trong cảnh
thấp thỏm và thiếu thốn nước ngọt. Phú Quý là nơi mọi mạch nước ngầm từ giếng
đào của bà con trên đảo đều cho ra những dòng ngọt ngào trong veo. Nước ngọt làm
cuộc sống của người dân dễ chịu hơn, sung túc và hào sảng hơn.
|
Phú Quý nhìn từ núi Cao Cát |
Nếu bạn vô tình hết xăng giữa đường, sẽ có người đến cho bạn chai xăng nhỏ châm
vào để bạn có thể về đến nhà. Hoặc, bạn chỉ cần vẫy tay, dân địa phương sẽ nhiệt
tình dừng lại giúp bạn đẩy xe về tận nơi. Người dân Phú Quý luôn sẵn sàng giúp
đỡ người lạ từ đất liền ra. Có lẽ chính sự hào sảng ấy, chúng tôi không gặp bất
cứ khó khăn gì khi hỏi đường đến các điểm tham quan hay các quán ăn dân giã. Họ
nhiệt tình đến mức dẫn đến tận nơi, về tận ngõ, làm khách lạ cảm thấy gần gũi,
xúc động đến chừng nào. Ở lại đảo vài ngày, chúng tôi mới thấy hết sự bình yên
của người dân nơi đây. Thả bộ trên đảo nhiều ngày, chúng tôi chợt phát hiện vài
sự quen thuộc thú vị. Nhà cửa của người dân ở xã Tam Thanh, Long Hải phần lớn
được xây theo kiểu nhà trệt, lúp xúp xếp cạnh nhau, như úp xuống và nép mình để
tránh những cơn bão biển hung dữ. Đã vậy, cứ cách vài căn nhà lại có một tiệm
tạp hóa mọc lên. Hỏi ra mới biết, do nhu cầu của người dân cao, mà hơn hết là
người đảo rất chịu khó làm ăn.
|
Những tảng đá bị bào mòn bởi thời gian |
Đừng vội nhìn nhà của người Phú Quý mà đánh giá họ nghèo hay giàu, những đại gia
buôn ghe đông, đánh bắt giàu có thượng thừa cũng chỉ xây những ngôi nhà trệt như
vậy, bởi đã thân quen và sống ngàn đời với sóng và bão biển. Chỉ có ở xã Ngũ
Phụng, nằm lõm vào vùng nước yên tĩnh, nơi ít có những đợt gió bão khủng khiếp,
người ta mới bắt đầu xây những căn nhà nhiều tầng vài năm trở lại đây.
Một điểm thú vị nữa mà có lẽ khách ở đất liền như chúng tôi cảm thấy rất an tâm,
an ninh ở đảo khá an toàn. Theo thói quen, đi xe máy đến đâu chúng tôi đều khóa
cổ xe, trong khi người địa phương vô tư dựng xe ngoài đường. Hòn đảo này hiền
hòa đến nỗi chẳng ai thèm lấy xe của ai, không lo trộm cướp, cho dù bạn có vứt
chiếc xe máy ở ngoài đường 2-3 ngày. Người đảo cười hiền hậu: “Lấy xe rồi… mang
đi đâu?”.
Tiềm năng du lịch sinh thái
Nghe người dân đảo giới thiệu núi Cao Cát, chúng tôi đến chùa Linh Sơn, tham
quan những tảng đá lớn bị thời gian bào mòn đứng sừng sững trên đồi cao, uy
nghiêm và hùng vĩ. Nhìn đảo Phú Quý từ đỉnh núi Cao Cát, mới thấy hết vẻ hoang
sơ, mộc mạc nhưng có gì đó hấp dẫn đến lạ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được ngắm
mặt trời lặn từ ngọn hải đăng, ngắm mặt biển phẳng lặng như hồ vào sáng sớm tại
vịnh Triều Dương, hay hít cái khí trời trong mát từ Gành Hang, bãi Nhỏ… Tất cả
còn hoang sơ nên đẹp đến kỳ lạ. Chúng tôi còn có dịp tham quan mô hình nuôi cá
lồng bè của người dân xã Ngũ Phụng, được ngụp lặn dưới dòng nước trong xanh,
ngắm thảm san hô cùng đàn cá nhỏ ngũ sắc bơi lượn xung quanh… Chưa kể, quanh đảo
còn có những nơi rất lãng mạn, yên ả mà dân địa phương lẫn du khách đều muốn ghé
đến để phủi sạch những muộn phiền, âu lo trong cuộc sống.
|
Du khách có thể ngụp lặn xem san hô |
Với rất nhiều tiềm năng chưa được đánh thức, đảo Phú Quý vẫn đẹp thơ mộng, đậm
nét hoang sơ, thậm chí nhiều nơi chưa từng vương dấu chân người. Bởi vậy, huyện
Phú Quý cũng như tỉnh Bình Thuận rất quan tâm khai thác tiềm năng du lịch của
quần đảo. Hiện nay, Phú Quý đang nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống giao thông đến các
điểm du lịch; phát triển tàu cao tốc giúp du khách đi lại dễ dàng và thuận lợi
hơn. Ngoài ra, huyện đảo cũng dần nâng cấp hệ thống khách sạn, nhà hàng, tạo ra
các sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng và hấp dẫn nhằm đưa Phú Quý trở thành
một vùng đảo mạnh về kinh tế du lịch và dịch vụ.
|
Nét hoang sơ của Gành Hang |
|
Hoàng hôn trên biển |
M.Vân