Công viên
Công viên “tiểu khủng long”
BT- Người phiên dịch lúng
túng giải thích cho đoàn khách nước ngoài về con vật bò sát nhiều màu sắc đang
vội chạy trốn xuống hang, nhưng xem ra họ chưa hiểu “con dông” là con vật như
thế nào, còn ông An, chủ Photohouse (Ngôi nhà Nhiếp ảnh) đùa, bảo anh ta dịch
là… con “tiểu khủng long”, vì con dông cũng có nét giống khủng long trong trí
tưởng tượng lắm chứ!
Mấy năm nay, du khách đến xã
Hòa Thắng (Bắc Bình) thưởng ngoạn cảnh đồi cát Trinh Nữ, bàu Ông, bàu Bà, biển
bãi ngang…còn dừng chân ở một điểm có tên là Photohouse (tạm dịch là Ngôi nhà
Nhiếp ảnh) của vợ chồng ông Phạm Văn An.
|
Khách nước ngoài xem con dông ở Photohouse |
Ông An và vợ xa Sài Gòn khói
bụi đến đây lập khu vườn rộng 5.000 m2 đất với các căn nhà đầy đủ
tiện nghi sinh hoạt; hưởng cảnh trăng thanh gió mát, khí hậu trong lành.
Ông An đam mê nghệ thuật
nhiếp ảnh, muốn tạo cho giới cầm máy ảnh nơi chốn đi về, sẵn lòng đón tiếp những
nghệ sĩ gìn giữ vẻ đẹp khoảnh khắc thành vĩnh cửu trong Ngôi nhà Nhiếp ảnh của
mình. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi không chỉ trong nước đã đến với Hòa
Thắng, Mũi Né, Phan Thiết…từ tấm chân tình của ông.
|
Ông Phạm Văn An bên hồ nước ở Photohouse |
Ông An từng mở quán ăn ở Sài
Gòn rất thành công mà khách chọn lọc là giới văn nghệ sĩ, những người làm nghệ
thuật nên rất sành điệu về khoản đệ nhất khoái. Theo ông An, các món ăn chế biến
từ thịt con dông là một đặc sản của vùng đồi cát Hòa Thắng, ngoài nâng cao chất
lượng các món dân dã như dông xào lá me, dông nấu canh dưa hồng, dông nướng…cần
cải tiến để có thể đưa món thịt dông vào thực đơn nhà hàng sang trọng.
để
có nguồn thịt dông dồi dào, trước hết, ông An lập trại nuôi dông và thu mua dông
từ nguồn thiên nhiên cũng như từ các trại nuôi dông trong vùng.
|
Con dông |
Nhiều người chưa hề nghe,
thấy con dông nhất là người đến từ các thành phố, còn khách nước ngoài thì càng
lạ lẫm với con vật sống hoang dã trong cát này. Thế nên ngày càng nhiều khách
đến Photohouse để nhìn ngắm con dông được ông An thả trong cái bể xi măng đáy
lót cát, vì họ không thấy được con dông trong trại nuôi do con vật này sẽ vội
vàng chui vào hang khi có bóng người. Khách nhìn ngắm con “tiểu khủng long” miễn
phí và ông An vui vì điều này, bởi ông muốn giới thiệu với những ai chưa từng
biết về một con vật có sức sống mãnh liệt của đồi cát.
Món ăn đặc biệt mới, lạ chế
biến từ thịt dông mà ông An giới thiệu với thực khách là món xúc xích dông. Thịt
dông xay nhuyễn sau khi lọc hết xương, trộn gia vị được làm thành từng cây xúc
xích sẽ thơm “điếc mũi” trên lò nướng than. Nước chấm góp phần quan trọng cho
món xúc xích dông hấp dẫn thực khách, do vợ ông An, người có thể tiếp khách nước
ngoài bằng tiếng Anh, chế biến. Mỗi khách thưởng thức 100 gr xúc xích và một lon
bia, chưa tốn đến 100.000 đồng trong không gian yên ả chỉ có âm vang tiếng sóng
biển và tiếng dương liễu vi vu không là điều thú vị đáng nhớ của một chuyến lữ
hành sao?
|
Xúc xích dông |
Photohouse ở cách hai cửa
biển Phan Rí và Mũi Né trong bán kính 20 km, ngay bờ biển Hòa Thắng cũng có bến
thuyền nên ở đây dồi dào các loại hải sản tươi ngon. Ngoài xúc xích dông, nếu
điện thoại trước, khách còn được thưởng thức các món gỏi cá, xúc xích cá, cá
hấp…
Đôi vợ chồng xấp xỉ bảy mươi
này dựng nên Photohouse chỉ để làm nơi vui thú điền viên chứ chưa muốn biến
thành địa điểm du lịch hay hàng quán. “Chỉ có hai vợ chồng đi ra đi vô cũng buồn
nên tôi mở công viên “tiểu khủng long” và bán vài món ăn giới thiệu đặc sản vùng
đất đã cho vợ chồng tôi sự bình an lúc cuối đời - ông An tâm sự.
HỒ VIỆT KHUÊ