Phú Hài - đất thiêng của cư dân
Phú Hài - đất thiêng của cư dân miền biển
BT- Trong đời sống tâm linh
của cư dân miền biển, các đền thờ, dinh vạn chiếm một vị trí quan trọng. Riêng
đối với những người con của vùng biển Phú Hài – TP. Phan Thiết, các dinh vạn là
nơi thờ cúng không thể thiếu trước và sau mỗi chuyến hải trình của họ. Các ngư
dân của địa phương thường đến những nơi tâm linh này để cầu nguyện mưa thuận gió
hòa, thuận buồm xuôi gió trong hoạt động đánh bắt hải sản. Chính vì vậy mà 3 yếu
tố: biển – dinh vạn và ngư dân luôn gắn kết, tương tác với nhau trong quá trình
hình thành và phát triển của Phú Hài ngày nay.
|
Mặt trước của đình Tiền Hiền Phú Hài |
Mỗi năm một lần, cứ vào dịp
đầu năm mới, Vạn Phú Bình - thuộc khu phố 1, phường Phú Hài lại long trọng tổ
chức hội Tống Hàn để tiễn cái lạnh của mùa đông và đón chào những ngày xuân ấm
áp. Cũng như nhiều phường, xã ven biển khác, Vạn Phú Bình là nơi được các ngư
dân dựng nên để thờ ông Nam Hải (cá Ông). Tương truyền, xưa kia dưới chân làng
Ngọc Lâm – xã Phú Hải (nay là khu phố 4, phường Phú Hài), những cư dân sống dưới
chân bãi biển thường xuyên chứng kiến Ông chết, bị sóng đánh dạt vào bờ. Trùng
với quãng thời gian Ông trôi dạt vào bờ cũng là lúc những chuyến biển của ngư
dân thường không mấy thuận lợi, khi thì ít cá, khi thì gặp sóng to, gió lớn. Qua
nhiều năm chuyện trùng hợp này cứ lặp lại, các cụ cao niên trong làng Ngọc Lâm
bèn ngồi lại với nhau và quyết định gom xác Ông lại để dựng nên một cái vạn,
định kỳ tổ chức thờ cúng trang nghiêm. Từ đó, cái tên Vạn Phú Bình thờ ông Nam
Hải ra đời.
Ngày nay, trong vạn có hàng
chục bộ cốt Ông, với đủ kích thước lớn nhỏ khác nhau được mọi người giữ gìn rất
kỹ. “Từ lúc lập vạn đến nay, hầu hết ngư dân tại Phú Hài, nhất là những người
chuyên khai thác ở vùng biển khơi vẫn giữ truyền thống đến đây để cúng bái,
cầu nguyện Ông phù hộ được ra khơi bình yên. Đặc biệt, trong dịp hội Tống Hàn,
Vạn Phú Bình đông đúc ngư dân đến đây thắp hương. Trong ngày này, vạn sẽ tổ chức
dâng hương, cúng lễ lên Ông rất trang trọng. Ngoài ra, để cầu nguyện cho mưa
thuận gió hòa, vạn sẽ làm một chiếc thuyền mô hình bằng giấy, kích cỡ gần 100cm,
chất đầy đủ ngư lưới cụ và các hình nộm mô phỏng động tác chèo thuyền, thả lưới
của ngư dân” - Trưởng ban nghi lễ của vạn ông Lê Văn Bảy cho biết.
|
Một buổi tế lễ tại đình Tiền Hiền Phú Hài |
Ở bất kỳ vùng biển nào, đời
sống tâm linh của bà con ngư dân cũng gắn liền với vùng đất mà mình an cư lập
nghiệp. Phú Hài cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nơi đây, ngoài Vạn Phú
Bình thờ ông Nam Hải, nhân dân còn gởi gắm đời sống tâm linh của mình vào nhiều
nơi thờ tự khác. Có thể kể ra đây như: đình Tiền Hiền - thờ cúng những vị khai
sáng vùng đất Phú Hài năm xưa. Dinh Ba Bà - thờ bà Chúa Ngọc, bà Chúa Hạ và bà
Chúa Hỏa. Đình làng Tân Phú (thuộc khu phố 1), mộ cụ Nguyễn Thông, mộ Thần Thái
Giám và một số chùa chiền, nhà thờ… Trong số những địa điểm tâm linh trên thì
đình Tiền Hiền cũng là một địa điểm thu hút rất đông nhân dân trong vùng tìm đến
gửi gắm niềm tin, ước nguyện vào mỗi dịp lễ hội và năm mới. Nằm ngay bên cạnh
Vạn Phú Bình, với cổng chính hướng ra cửa biển, đình Tiền Hiền là nơi sinh hoạt
truyền thống, tâm linh của những cụ già, trung niên tại địa phương. Ông Nguyễn
Văn Ỏn - Trưởng ban nghi lễ đình Tiền Hiền Phú Hài cho biết: Trong các buổi Lệ
Kỳ Uyên - tức ngày giỗ của các bậc tiền hiền, các gian thờ trong đình sáng rực
ánh đèn và hương thơm của trầm nhang lan tỏa làm cho không khí trang nghiêm nơi
đây càng thêm tôn kính. Để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với bậc cha
ông đã khai hoang lập địa vùng đất Phú Hài ngày nay, Ban nghi lễ đình Tiền Hiền
chuẩn bị và tổ chức công phu các phần lễ, hội để ngày Lệ Kỳ Uyên diễn ra thật ý
nghĩa.
Có lẽ, không có xã, phường
nào tại Tp Phan Thiết mà các cơ sở tâm linh thờ tự nhiều như tại Phú Hài. Phú
Hài - một bên là biển - một bên là núi. Người dân nơi đây dành thời gian lao
động của mình trên biển để mưu sinh và cất nhà dựa dưới chân núi để an cư. Chính
yếu tố địa tâm linh này mà hơn nơi nào hết, người dân Phú Hài luôn tin tưởng và
gửi gắm ước nguyện an lành của mình vào những vị thần linh, những bậc tiền hiền
để cầu an cư lạc nghiệp.
CHÂU TỈNH