Bánh tráng Chợ Lầu với ngày tết

Bánh tráng Chợ Lầu với ngày tết quê tôi

BT- Chú tôi mặc dù đã chuyển vào sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng chú ấy rất ghiền bánh tráng Chợ Lầu. Chú nói rằng: Bánh tráng ở đây vừa mỏng vừa dẻo, lại thêm cái vị beo béo và thơm của mè rang; những người bạn của chú đến chơi tết rất mê món bánh tráng này. Không riêng gì chú của tôi, mà rất nhiều gia đình ở huyện Bắc Bình cũng như những vùng lân cận khác đã bắt đầu đặt loại bánh tráng này dùng cho ngày tết. Những ngày này, thị trường bánh tráng Chợ Lầu bắt đầu nhộn nhịp.

Phơi bánh tráng. Ảnh minh họa

Tôi đã đọc nhiều bài báo và được nhiều người kể lại, bánh tráng Chợ Lầu có mặt trên thị trường từ trước năm 1945, tập trung nhiều nhất ở thôn Xuân An và phát triển dần dần thành làng nghề như hiện nay. Bí quyết để loại bánh này hấp dẫn mọi người chính là ở kỹ thuật pha chế bột, ngay cả việc xây dựng lò để làm chín bánh bằng hơi nước cũng là một nét độc đáo. Từ khâu chuẩn bị bột, hấp chín bánh, phơi khô tới gỡ bánh đều cần sự khéo léo và kỳ công mới có thể làm ra, tạo được chất lượng, uy tín và sự thơm ngon của loại bánh này.

Người ta thường dùng bánh tráng mỏng nhúng với nước cho mềm rồi cuốn với thịt, cá, rau… vừa dẻo, vừa mềm; chiếc bánh tráng mỏng nhưng có thể gom hết thức ăn và dễ dàng cuốn tròn lại mà không bị rơi rớt. Nhắc tới đây mới nhớ lại thời còn là sinh viên học tại TP. Hồ Chí Minh, tôi thường đem loại bánh này vào để ăn, một số người bạn quê ở vùng khác thấy lạ và thường hỏi tôi: Nhúng nước rồi ăn thôi hả, như vậy bánh còn sống làm sao ăn chứ?... Nhưng ở với tôi một thời gian, các bạn cũng đâm ghiền món này, đặc biệt kết luôn món mắm ruốc quê tôi dùng để ăn kèm với bánh tráng. Cũng chính vì vậy mà loại bánh này có tên dân dã là “bánh tráng sống”. Đã có bánh tráng sống thì phải có “bánh tráng chín”. Đó là loại bánh tráng được tráng dày hơn, nhiều mè và phải nướng lên vàng đều bằng lửa than. Cái cảm giác nhai miếng bánh giòn tan, rôm rốp nghe thật vui tai làm kích thích thêm vị giác của chúng ta.

Tôi luôn tự hỏi, tại sao người dân ở vùng đất Bình Thuận lại ưa chuộng bánh tráng này như vậy? Có lẽ đây là đặc trưng của những con người dân dã nơi đây, được thiên nhiên ban tặng cho biển xanh đầy tôm cá, ruộng đồng tốt cho rau quả xanh tươi. Đó cũng là những thực phẩm thường phải dùng với bánh tráng như bánh tráng cuốn cá hấp, cuốn thịt luộc ăn kèm rau và nước mắm chua ngọt; bánh tráng chấm mắm ruốc, hay ăn kèm gỏi… Dần dần, loại bánh trở thành món ăn khoái khẩu của người dân địa phương. Đặc biệt, mỗi năm tết đến, hầu như gia đình nào cũng mua sẵn một ít bánh tráng để ăn. Bánh tráng cuốn măng kho ngày tết là một món không thể thiếu được trong mỗi gia đình của người dân nơi đây.                                            

Mai Thảo