Nhớ mùa mứt tết

Nhớ mùa mứt tết

BT- Tháng 12  là tháng mứt tết. Vào tháng này, trước đây, không hẹn mà nhiều nhà ở La Gi làm mứt tết. Chị Phong Hòa, ngụ tại khu phố 2, phường Phước Hội, cho hay: Con cái của nhiều gia đình đều tự học cách làm 3 loại mứt tết. Đó là mứt dừa, mứt bí và mứt gừng. Mứt do gia đình làm thường bảo đảm vệ sinh hơn mứt mua và  bảo quản cũng lâu hơn do khi làm đã tính toán đến việc làm cho  mứt đạt chất lượng, tránh mốc meo. Cứ đến tháng 12 thì dừa bung (to trái) của các nhà vườn ở các xã: Tân Hải, Tân Thuận, Tân Thiện… là  một trong những mặt hàng được nhiều người mua. Dừa không được quá già, để cơm (cùi) dừa có thể xắt mỏng thành những lát dài. Dừa  xắt được rửa sạch, ngâm nước đường trong nhiều giờ (có thể  pha phẩm màu, tạo màu sắc), sau đó cho vào chảo to, đun liu riu cho đến khi khô nước, để đường bám  vào từng cọng dừa  xắt mỏng. Tiếp đến,  đem phơi dưới nắng, ở chỗ không bụi, không ruồi muỗi, cho đến khi thấy cọng mứt  khô  cong. “Về mứt mãng cầu cũng không khó lắm”, chị Phong Hòa nói thêm. Mãng cầu  to trái, bóc kỹ vỏ để còn lại phần thịt. Thịt mãng cầu được tách  thành từng múi riêng cũng như nặn bỏ hạt. Cứ 1kg mãng cầu dùng 300gr đường ( không quá ngọt, còn giữ vị chua nhẹ).  Trộn mãng cầu với đường rồi bắc lên chảo đun lửa nhỏ, thi thoảng đảo đều đến khi nước đường cạn... Bấy giờ là lúc  đưa chảo mãng cầu xuống khỏi bếp, chờ thật nguội, dùng giấy kính trong suốt gói mãng cầu thành từng viên như  viên kẹo,  và tiếp tục phơi nắng. Trong quá trình phơi, dùng lưới hoặc vải mỏng chống ruồi. Nhiều người ở La Gi  thường giữ  mứt đến  một, hai tháng sau tết, sau đó gởi cho con cháu  đi học xa.  Đó là món quà  quê của họ  và con cháu họ qua đó càng gắn bó với quê.

Trần Thị La Gi