Nhớ cốm tết quê tôi

Nhớ cốm tết quê tôi!

BT- Thoát đó mà năm cũ cũng dần trôi qua, những ngày tết cận kề và hầu như mọi nhà ai cũng chuẩn bị mọi thứ để đón tết với đủ loại trái cây, bánh mứt… Cho đến tận bây giờ, trong ký ức của tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh cả gia đình ngồi quây quần bên nhau để làm ra những chiếc bánh cốm thơm ngon, ngọt ngào.

Tôi còn nhớ rất rõ khi chị em tôi chỉ là những cô bé còn ham chơi và thích nô đùa dưới trời mưa thì cứ mỗi lần tết đến xuân về, mẹ tôi lại chuẩn bị lúa nếp để rang nổ, đóng bánh cốm chuẩn bị tết. Làm cốm trải qua rất nhiều giai đoạn, quan trọng nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu chính là nổ. Muốn nổ bung lớn, mẹ phải chọn lúa nếp từ vụ trước và phơi, cất kỹ, sau đó cho vào một cái chảo “to đùng” rồi đem rang sao cho những hạt cốm xốp to xòe như những cánh hoa khoe ruột nổ trắng ngần. Để cho ra một mẻ cốm ngon và vừa ý thật không dễ, vì khi rang mà những hạt lúa nếp chỉ nở búp thì sẽ cho những hộc cốm vừa cứng và không ngon. Bởi vậy, khi rang cốm thì điều quan trọng ở một người rang là canh lửa sao cho vừa, không được quá nhỏ hay quá lớn. Khi rang xong một mẻ nổ thì dùng một cái nia để lọc những vỏ trấu còn bám vào hạt nổ hay những hạt nổ bị bộng không được chất lượng. Mẹ giao cho chị em tôi bóc tách những hạt nổ còn dính vỏ trấu. Thế là chị em tôi có việc làm cùng mẹ dưới khí trời se se lạnh của những ngày cuối đông. Đôi lúc chị em tôi vì không quen với công việc như thế hay vì chúng tôi còn quá nhỏ, mà ngủ gật vào nia bánh nổ hồi nào không hay…

Sau khi lượm trấu xong, mẹ phân công mỗi người một việc, mẹ đảm nhận việc “thắng đường”. Mẹ cho đường cát vào nước sôi để nấu tan ra đến khi đường hơi sền sệt và kéo thành sợi là được. Còn chị em tôi gọt và rửa sạch gừng, cắt lát mỏng giã dập, chắt bỏ nước. Trái thơm gọt vỏ, bỏ mắt, cắt từng miếng nhỏ, mỏng. Sau đó mẹ nhấc xoong đường xuống để nguội rồi trộn chung với thau nổ đã chuẩn bị trước đó, vì như vậy khi ăn cốm sẽ có hương vị cay của gừng, chua của thơm và ngọt từ đường. Dưới ánh đèn dầu trong đêm khuya giữa ngôi nhà đầy ắp tiếng cười và những giọt mồ hôi của mẹ con chúng tôi cùng với mùi thơm lừng của gừng và thơm, bánh cốm càng trở nên rất hấp dẫn. Tiếp theo là công đoạn đóng cốm, tùy hộc cốm lớn nhỏ sẽ cho ra những khuôn khác nhau. Sau khi cho cốm vào hộc, mẹ thường dùng một miếng gỗ rời ép chặt cốm cho bằng phẳng và vuông vức. Tiếp đến, dùng tay đẩy rời miếng gỗ sao cho cốm ra khỏi khuôn và xếp bánh vào những cái nia nhỏ đem phơi nắng để cho cốm được khô. Mẹ thường dùng giấy màu gói cốm vì ngày ấy ít ai sử dụng giấy kiếng bóng như bây giờ. Bánh cốm đẹp hơn cũng là nhờ những bông hoa đủ màu sắc mà chị em tôi được phân công cắt trước đó một ngày, để khi đem biếu hoặc khi bày biện trên bàn thờ thêm trang trọng. Ngày nay do nhu cầu thị trường, những nhà sản xuất có thể rang nổ bằng những máy móc hiện đại và cho ra đủ loại bánh cốm thơm ngon. Và bây giờ, để có bánh cốm cúng tổ tiên vào đêm 30 tết thì tôi chỉ cần  chạy ra chợ là có thể mua được những hộc cốm đủ loại và đầy màu sắc rực rỡ. Nhưng với tôi, bánh cốm mẹ làm vẫn là thơm ngon nhất.   

Sao Mai