Đền Pô Nít - sự giao thoa văn hó

Đền Pô Nít - sự giao thoa văn hóa Chăm - Việt

 BT- Tọa lạc tại thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, đền Pô Nít có sự kết hợp mới lạ, độc đáo giữa kiến trúc Chămpa và kiến trúc Việt.

 Đôi nét về kiến trúc

Đền Pô Nít nằm trên một khu đất tương đối cao, giữa những cánh đồng lúa  mà người dân vẫn gọi là khu “Đồng Vua”.

Đền xoay mặt về hướng Đông, là hướng của thần linh, theo quan niệm của người Chăm.

Quy mô và kiến trúc của đền thờ Pô Nít luôn ở mức độ vừa phải; đủ để đặt các pho tượng, tượng kút và đủ chỗ cho một số chức sắc vào thực hiện các lễ nghi với các vị thần như tắm rửa thánh thể, mặc trang phục hay đặt các lễ vật. Điều này giúp chúng ta liên tưởng đến quy mô và diện tích xây dựng các tháp Chăm trước đây. Thông thường tháp chỉ có chiều cao, còn diện tích rất nhỏ. Theo quan niệm dân gian người Chăm, vị thần cư ngụ rất cụ thể ở đền thờ dưới dạng một tượng thờ. Đền thờ của người Chăm theo đạo Bà-la- môn không phải là nơi để các tín đồ đến tụ hội và cầu nguyện, chỉ các vị Bà-la-môn đã thụ pháp mới được vào đền thờ để tổ chức tế lễ. Có lẽ, điều này giải thích vì sao mà nội thất các đền thờ chật hẹp.

Gian thờ vua Pô Nít.

 Giao thoa  văn hóa

Ngôi đền được xây dựng trên đồi cao theo kiểu miếu (bumon) chứ không còn là kiểu đền tháp (kalan) như trước. Hình dáng bên ngoài của ngôi đền trông giống như một ngôi chùa thờ Phật của người Việt nhưng đơn giản hơn, với 4 vách xây, bên trong trống trải chỉ dùng đặt tượng, kết cấu vì kèo đơn giản. Vua Pô Nít là vị vua đầu tiên được người Chăm thờ trong dạng đền này.

Đền Pô Nít là một trong những cụm kiến trúc đầu của giai đoạn sử dụng vật liệu và hình dáng kiến trúc mới, ảnh hưởng kỹ thuật người Việt và dùng vôi vữa, gạch, cát xây. Đền thờ Pô Nít còn có thêm ý nghĩa nữa là bằng chứng đánh dấu sự kết thúc một quá trình dài về nghệ thuật kiến trúc của vương quốc Chămpa. Đây là cũng là giai đoạn đánh dấu sự giao thoa với văn hóa Việt, tuy nhiên đối tượng thờ cúng và tín ngưỡng của người Chăm nơi đây vẫn được giữ nguyên gốc.

Gian thờ hoàng hậu.

Ở cách trang trí ở nóc đền. Có 2 nóc ở gian thờ vua và hoàng hậu trang trí rồng như những ngôi chùa Việt theo đồ án “lưỡng long triều nhật” (hai con rồng chầu mặt trời). Gian thờ tướng Pô Kay Mách và gian sảnh trang trí bằng đôi chim phượng lớn hình “song phụng chầu nguyệt”. Trong toàn bộ những kiến trúc đền thờ hiện thấy ở khu vực, không có đền thờ nào trang trí kiểu này, bởi với dân tộc Chăm trong truyền thuyết và trong dân gian từ xưa đã không có con rồng. Thay vì con rồng được nhắc đến ở các nước Trung Hoa, Việt Nam và một số nước châu Á khác thì người Chăm từ xa xưa đã có con Makara thần thoại, có thân hình giống con rồng Việt và cũng để thể hiện uy quyền của nhà vua, một số tháp Chăm dùng hình tượng này chính là vệ sĩ bảo vệ đền.

Năm 2000,  đền được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia. Kể từ khi xây dựng, ngôi đền đã trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo linh thiêng của người Chăm theo đạo Bà-la-môn toàn khu vực.

Mai Thảo