Mùa Xảm

Mùa Xảm

BTO- Xảm là công đoạn gần cuối khi đóng một chiếc thuyền. Và đây cũng là cũng là việc làm cần thiết khi qua thời gian thân thuyền bị sóng nước bào mòn phải tu sửa. Những ngày này, khi cơn bấc ùa về thì nhiều chiếc thuyền sau mùa Nam rong ruổi khơi xa đánh bắt đã về nằm trên bờ để sửa chữa những chỗ bị hư hỏng. Và cũng là lúc những người thợ xảm bước vào mùa bận rộn của mình.

Đến một cơ sở đóng, sửa ghe thuyền ở phường Đức Long, thành phố Phan Thiết vào buổi sáng một ngày trung tuần tháng mười hai này, chúng tôi thấy gần chục chiếc thuyền đang nằm trên bãi xưởng. Cái đang được đóng mới, cái nằm sửa chữa. Tiếng cưa, tiếng đục vang cả không gian, loang trên mặt dòng Cà Ty xanh mát dưới nắng vàng.

Công việc của người thợ xảm

Trên chiếc thuyền công suất lớn của một ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đang được đóng tại đây, những người thợ xảm đang tay búa tay kiệu khơi đường hèm để xảm. Chúng tôi vừa xem họ làm vừa trò chuyện. Anh Cao Cu, 41 tuổi, nhà ở phường Đức Nghĩa đang trét xảm vào hèm (còn gọi là đường triên) phía ngoài mạn thuyền cho chúng tôi biết, anh đã làm nghề này gần hai mươi năm, cứ đến mùa xảm là anh em lại gọi đi làm. Thường thì các anh tập trung thành một nhóm ba đến bốn thợ, quen việc, quen người cũng dễ.

Trên khoang thuyền, hai anh Đoàn Văn Tám (tên thường gọi là Sinh) và Võ Chung cũng đang cặm cụi với công việc của mình. Đồ nghề của họ là những chiếc búa, đục và kiệu nhiều kích cỡ để sử dụng tùy theo đường triên lớn hay nhỏ. Vật liệu để xảm gồm xơ xảm (là thân tre tước thành những sợi xơ nhỏ), dầu rái và bột chai. Để xảm được một đường triên thuyền cũng qua nhiều công đoạn. Theo anh Đoàn Văn Tám, trước hết mình phải mở đường hèm ra cho có độ hở, sau đó trộn xơ xảm, dầu, chai bột cho kỹ, đổ chai nước cho đều, giống như mình đổ bê tông vậy. Nếu đường xảm tốt thì mười mấy, hai chục năm mới phải xảm lại.

Để xảm một chiếc tàu có công suất lớn 500CV này, phải cần khối nguyên liệu gồm khoảng 60 ký xơ xảm, 20 ký chai, 40 lít dầu rái…và phải làm khoảng 40 công mới xong. Công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng. Những người làm nghề xảm đều tâm niệm phải làm thật kỹ, thật chắc để cho chiếc thuyền ra khơi không bị vô nước. Họ ví chiếc thuyền cũng giống như ngôi nhà, nếu dột thì sao mà ở được! Điều cần nhất của người thợ xảm là cái tâm làm nghề, nếu không, chiếc thuyền ra biển cả mênh mông lỡ long nước thì khó có thể xoay xở được.

Dụng cụ làm nghề xảm

Mùa xảm nhộn nhịp bắt đầu vào khoảng tháng mười, tháng mười một - khi những cơn bấc về, tàu thuyền ít ra khơi - cho đến tháng ba thì kết thúc. Trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 tháng ấy, những người thợ xảm làm việc miệt mài hết thuyền này sang ghe khác, hết vùng này đến vùng khác. Đây là mùa thu nhập chính của họ với tiền công từ 300 đến 400 ngàn đồng một ngày. Theo anh Tám cũng đủ để trang trải cuộc sống, bù đắp lại những tháng ngày không có công việc ổn định, phải đi chạy xe thồ hay phụ hồ. Nếu ở nhà có vợ làm phụ thêm thì cũng tạm ổn, như gia đình anh, nhờ có nghề xảm mà 3 đứa con anh đều được ăn học đàng hoàng.

Nghề xảm giờ đây người làm không nhiều, nhưng những ai đã làm thì sẽ gắn bó mãi. Một cái nghề rất quen thuộc với cư dân vùng biển từ bao đời qua, và chắc chắn rằng đến mãi sau này vẫn thế, không thể thiếu được khi ngày ngày, tiếng máy thuyền vẫn rộn rã ra khơi.

Những làn gió chao trên mặt sóng của dòng Cà Ty hiền hòa. Trên xưởng thuyền, những người thợ đang miệt mài với công việc của mình. Tiếng búa đập vào kiệu lách cách, đều đều. Trong từng tiếng đập ấy có những suy nghĩ, ánh nhìn, đôi tay cần cù của người thợ, và một điều quan trọng hơn cả, đó là cái tâm mà họ đặt vào theo từng đường xảm trên thân tàu. Dẫu ở trên bờ nhưng họ luôn nghĩ đến những con sóng khơi xa.

 THIÊN THANH