Hoạt động thể thao giải trí trên

Hoạt động thể thao giải trí trên biển: Nhiều khu vực không được phép sử dụng động cơ

BT- Theo quyết định của UBND tỉnh về ban hành Quy định quản lý các vùng hoạt động thể thao giải trí trên biển tại Bình Thuận, thì nhiều khu vực sẽ không được phép sử dụng động cơ…

Như chúng tôi thông tin trong số báo trước, quyết định của UBND tỉnh về ban hành Quy định quản lý các vùng hoạt động thể thao giải trí trên biển tại địa bàn Bình Thuận đã chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, đối tượng kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển được phép khai thác và tổ chức các hoạt động ở nhiều địa điểm ven biển. Tuy nhiên tại một số khu vực thì tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này sẽ không được phép sử dụng động cơ trong hoạt động.

Lướt ván buồm - hoạt động thể thao giải trí không sử dụng động cơ

Tại thành phố Phan Thiết, riêng khu vực Đồi Dương- Thương Chánh có chiều dài bãi biển khoảng 4.000 m (từ khách sạn Duparc đến Trung tâm Dự báo khí tượng miền duyên hải) là không được phép tổ chức các hoạt động thể thao giải trí ở trên lẫn dưới mặt nước biển. Còn tại khu vực Đá Ông Địa - Phú Hài - Hàm Tiến (tính đến Công viên biển) thì được tổ chức và khai thác loại hình: Lướt ván (buồm, diều, dù), thuyền buồm, dù lượn và những hoạt động thể thao khác nhưng không sử dụng động cơ. Đồng thời nơi đây cũng không cho phép sử dụng hoạt động mô tô nước, hay hoạt động kinh doanh có sử dụng động cơ dưới bất kỳ hình thức nào ngoại trừ cứu hộ, cứu nạn.

Đối với huyện Hàm Thuận Nam, tại khu vực bãi tắm Hòn Lan có chiều dài khoảng 5.000 m cũng được tổ chức các hoạt động thể thao giải trí nhưng không sử dụng động cơ. Còn tại khu vực Ngãnh Tam Tân - Dinh Thầy (thuộc thị xã La Gi) là bãi tắm công cộng, nên không cho phép tổ chức các hoạt động thể thao giải trí ở trên cũng như dưới mặt nước biển. Với bãi tắm Cam Bình có chiều dài khoảng 2.000 m thì được phép khai thác tổ chức loại hình lướt ván (buồm, diều, dù), dù lượn, thuyền buồm và những hoạt động khác nhưng không sử dụng động cơ.

Ở phía Bắc, tại khu vực biển Cổ Thạch (Tuy Phong) có chiều dài khoảng 2.000 m (từ Chùa Cổ Thạch đến Đền Bình An) sẽ không cho phép tổ chức các hoạt động thể thao giải trí trên và dưới mặt nước biển. Còn tại khu vực bãi tắm Vĩnh Long (Gành Rái - UBND xã Bình Thạnh), khu vực Hòa Minh (từ dự án Vạn Phúc Thịnh đến ngã ba Chí Công) và khu vực Hòa Phú (từ UBND xã Hòa Phú đến giáp xã Hòa Thắng) được khai thác dịch vụ thể thao giải trí nhưng không sử dụng động cơ. Dù vậy tại các khu vực nói trên, ngoài hoạt động cứu hộ cứu nạn thì quy định không cho phép sử dụng mô tô nước và các hoạt động kinh doanh có sử dụng động cơ dưới bất kỳ hình thức nào. Quy định tương tự là các khu vực trên địa bàn Bắc Bình như bãi tắm Lạch Vũng Môn dài khoảng 6.000 m (KDL Mũi Yến - Dự án Deverton), bãi tắm Hồng Hải dài khoảng 5.000 m (thuộc hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong)…

Nhằm đảm bảo môi trường và an toàn cho người, tài sản khi tham gia thể thao giải trí trên biển, đồng thời thuận tiện cho việc quản lý nên quy định cũng đề cập đến thời gian. Cụ thể: Hoạt động kinh doanh dịch vụ trên lĩnh vực này chỉ được tiến hành từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều hàng ngày, đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động trong thời gian có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết xấu. Bên cạnh đó, nếu đối tượng kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển có nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài thì phải xin thủ tục theo quy định của pháp luật.

Khu vực bãi sau Mũi Né (TP. Phan Thiết):  Chỉ được phép tổ chức hoạt động thể thao giải trí trên biển từ 1/10 đến cuối tháng 2 hàng năm

Liên quan đến vấn đề này, quy định nêu rõ tại khu vực bãi sau Mũi Né với chiều dài khoảng 3.500 m (từ KDL Mũi Né Bay - KDL Đồi Hồng) chỉ được phép tổ chức hoạt động thể thao giải trí trên biển từ 1/10 đến cuối tháng 2 hàng năm. Riêng trong thời gian từ 1/3 - 30/9 sẽ không cho phép tổ chức, khai thác các loại hình: Lặn biển, ca nô (lướt ván, kéo diều, dù kéo), lướt ván (buồm, diều, dù), dù lượn, mô tô nước, thuyền buồm, tàu đáy kính và những hoạt động thể thao giải trí khác ở trên lẫn dưới mặt nước biển…

 QUỐC TÍN