New Page 1
“Bàn tròn”
nguồn nhân lực du lịch Bình Thuận:
Doanh nghiệp du lịch và nhà trường cùng phối hợp
BT- Mới đây, một hội thảo
mang tầm quốc gia về vấn đề nguồn nhân lực cho du lịch Bình Thuận đã được tổ
chức ngay tại Phan Thiết với mong muốn tìm ra hướng đi phù hợp…
PGS. TS Trần Đức Thanh -
Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Để
giải quyết được bài toán này cần có nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp
đó là cần điều chỉnh lại chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra phù hợp với nhu
cầu xã hội, tức là nhu cầu ngành du lịch và nhu cầu người học. Trong tình hình
hiện nay, nếu nhà trường chỉ đào tạo định hướng mà không theo nhu cầu xã hội thì
sẽ khó lòng thu hút được người học. Vì học tập cũng là một kênh đầu tư, nếu nhà
đầu tư không thấy hiệu quả rõ nét thì sẽ không tham gia đầu tư…
|
Du lịch Bình Thuận cần đáp ứng nguồn nhân
lực đủ về số lượng, cao về chất lượng |
Trong khi đó, PGS. TS Lê Anh
Tuấn và Th.S Nguyễn Thị Hồng Tâm- Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cùng chung nhận
xét: Hiện giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại khi tìm
tiếng nói chung. Sinh viên được đào tạo từ các cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của
doanh nghiệp, còn doanh nghiệp khi tiếp nhận sinh viên lại than phiền không đủ
năng lực, phải đào tạo lại. Vì vậy, đặt ra vấn đề giữa nhà trường và doanh
nghiệp cần có sự liên kết để đào tạo nghề cho sinh viên… Chỉ thông qua sự gắn
kết như vậy mới đào tạo được đội ngũ lao động vừa có kiến thức, có tay nghề. Đây
cũng là điều kiện để các doanh nghiệp và những người sử dụng lao động lựa chọn
được nhân lực phù hợp với yêu cầu hoạt động của mình.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Lịch
- Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết thì ngay từ khi thành lập, trường luôn
nhận thức phải cố gắng đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành, vì Bình
Thuận xác định kinh tế du lịch là mũi nhọn. Hiện Trường Đại học Phan Thiết đang
tham gia đào tạo 7 ngành, trong đó có nhiều ngành liên quan đến du lịch địa
phương như: Ngoại ngữ, Quản trị nhà hàng khách sạn, Quản trị du lịch và lữ hành.
“Bàn tròn” về vấn đề này còn có sự tham gia của TS. Phan Thành Vĩnh - Nguyên
hiệu trưởng Trường Du lịch và Tiếp thị quốc tế TP. HCM. Ông cho rằng, Bình Thuận
đã tạo cho mình biệt danh “thủ đô resort” của Việt Nam. Vì vậy hãy dựa vào lợi
thế đó để đào tạo ra đội ngũ có tay nghề, kỹ năng hoàn chỉnh nhất phục vụ ở các
resort cao cấp… Một vấn đề khác cần đề cập tới là nhân lực phục vụ cho khách du
lịch thị trường Nga, vì nơi đây khách Nga chiếm hơn 36% trong tổng lượng khách
quốc tế. Bên cạnh đó, khách từ những nước nói tiếng Nga khác như: Ukraine,
Kazakstan, Latvia, Estonia đến Bình Thuận cũng tăng. Chính vì vậy, các cơ sở đào
tạo ở địa phương nên chú ý đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực không chỉ biết sử
dụng tiếng Nga mà còn hiểu về con người, văn hóa Nga nhằm phục vụ cho lượng
khách này. Với PGS. TS Phạm Xuân Hậu - Phó trưởng khoa Du lịch Đại học Văn Hiến
thẳng thắn nhìn nhận: Bình Thuận là tỉnh có lợi thế hơn nhiều địa phương vùng
ven biển nước ta về khả năng thu hút khách du lịch, nhưng ở khía cạnh kinh tế
thì chưa thực sự tương xứng tiềm năng. Có nhiều nguyên nhân đem đến thành công
và hạn chế, nhưng phải nói nguyên nhân do con người (làm việc trong ngành du
lịch) giữ vai trò chủ đạo. Vì thế đòi hỏi du lịch Bình Thuận phải có nhận thức
đúng và giải pháp hợp lý đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, cao về chất
lượng mới đưa ngành phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập…
QUỐC TÍN