Mắm ruốc xứ Duồng

Mắm ruốc xứ Duồng

 BT- Những con ruốc nhỏ  bằng cọng tăm, đỏ tươi, sau khi  chế biến trở nên gần gũi với bao gia đình nghèo.

 Chúng tôi về xã Chí Công (Duồng), huyện Tuy Phong, đúng vào mùa ruốc biển. Chỉ những giỏ ruốc mùa đỏ hồng vừa mang từ biển vào, một  ngư dân  cho biết:  Nghề làm mắm ruốc ở đây có từ lâu đời. Ngày trước, ruốc  xuất hiện  trên biển nhiều vô kể.  Hễ thấy  ruốc nổi đỏ mặt biển là nhà nhà gọi nhau đi cào ruốc. Ruốc nhiều quá thương lái mua không hết,  lại không có tủ lạnh để trữ, thế là  mọi nhà đều làm mắm ruốc. 

Bánh tráng chấm mắm ruốc Duồng ăn rất ngon.

Bà Phan Thị Chửng, ở thôn Hiệp Đức, một người  làm mắm ruốc nhiều năm cho hay: Xứ Duồng có 2 loại ruốc, đó là ruốc giang và ruốc mùa. Thế nhưng ngư dân chỉ chọn con ruốc mùa bé như cọng tăm làm mắm vì nó ngon... Ruốc tươi rửa sạch (bằng nước biển) đem phơi trên sàng tre, canh vừa một nắng để con ruốc có độ dai, không gãy, sau đó sàng sảy thật sạch (lẫn tạp chất mắm ruốc sẽ không ngon và nhanh hỏng). Ruốc được giã nhuyễn, thêm muối, đường, tỏi và ớt... theo một tỷ lệ nhất định. Ruốc giã xong,  cho vào mấy cái tỉn, đậy kín bằng mấy lớp lá chuối tươi, không quên đè vật nặng lên trên để ruốc không bị gió và mau chín. Ruốc từ màu tím bầm chuyển sang màu đỏ tươi và dậy mùi thơm là đã chín, ăn được.

Nghề mắm ruốc có hàng trăm năm nay, đến giờ các lò mắm vẫn dùng phương pháp chế biến thủ công, đó là giã ruốc bằng cối. Để cho ra khoảng 40kg ruốc nhuyễn phải cần 2 người lớn giã liên tục trong vòng 45 phút. Theo bà Chửng: “Dùng máy xay thì lợi về thời gian, công sức, xay được nhiều ruốc nhưng ruốc xay quá mịn không ngon bằng giã cối. Con ruốc giã bao giờ cũng còn sớ thịt, khi ăn có cảm giác  vị ngọt của thịt ruốc ở trên lưỡi”.

Chia tay xứ Duồng, tôi vẫn nhớ câu nói của ông Võ Văn Hồng - Trưởng thôn Hiệp Đức: “Ruốc là thứ sản vật mà vùng biển này bao đời  ban tặng cho dân nghèo, nhờ đó mà cuộc sống người dân khá lên”.

MINH CHIẾN