Mừng hội Katê trên tháp Pô Sha I

Mừng hội Katê trên tháp Pô Sha Inư

BTO- Việc tổ chức lễ hội Katê hàng năm trên tháp Pô Sha Inư là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm: “Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống người Chăm là bảo tồn một phần của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Đây là năm thứ 9, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Bình Thuận tổ chức lễ hội Katê trên trên tháp cổ Pô Sha Inư. Khác với những năm đầu tổ chức, từ năm 2009 đến nay, gắn kết với phần lễ, phần hội bổ sung nhiều hoạt động mới, mở ra một không gian rộng lớn. Điểm nhấn của phần hội là các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian tôn vinh sắc màu văn hóa dân tộc, thể hiện rõ nét trong lối trình diễn nhạc cụ, cách diễn xướng và các điệu múa mang đậm chất dân gian. Dưới chân tháp cổ, Katê tái hiện bức tranh sinh động, đầy màu sắc và phô diễn trước công chúng một nền nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian mang một phong cách riêng biệt, độc đáo.

Katê chính là lễ hội đặc sắc của cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn. Lễ hội diễn ra vào ngày đầu tháng 7 Chăm lịch mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội còn mong cho lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Ngày 3/10/2013 nhằm ngày 30/6 Chăm lịch tại đền tháp Pô Sha Inư diễn ra các hoạt động “hội” chào mừng Đại lễ Katê: “Hội thi Đơm lễ vật” dâng cúng nữ Thần được các nghệ nhân huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong thể hiện. Phần hồn của hội thi này là cách sắp xếp, bài trí lễ vật trưng bày trên Thôn la và đây cũng là giây phút thiêng liêng được các nghệ nhân thể hiện bằng lòng tôn kính, biết ơn và ngưỡng mộ đối với thần linh, ông bà tổ tiên. Tiếp nối các nghi lễ, tại sân khấu, tối 3/10 diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ của các diễn viên không chuyên đến từ Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và huyện Ninh Phước- Ninh Thuận và trình diễn trang phục dân tộc Chăm. Các tiết mục miêu tả đậm nét dân gian dân tộc Chăm của các diễn viên không chuyên, nghệ nhân của ba huyện. Đặc biệt là nghi thức lễ Cầu an tại tháp chính của bà con người Chăm theo đạo Bàlamôn và Bàni. Khác với các năm trước, năm nay Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở rộng phạm vi và quy mô tổ chức, 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong cùng tham gia trong lễ hội Katê đã thể hiện tình cảm mật thiết. Thông qua lễ hội Katê hình ảnh đẹp của những ngày tụ hội về đây sẽ mãi là những kỷ niệm khó quên của cộng đồng người Chăm đang sinh sống trên quê hương Bình Thuận.

Ngày thứ hai 4/10/2013 nhằm ngày 1/7 Chăm lịch du khách và người dân viếng lễ sẽ được các nghệ nhân Chăm hướng dẫn biểu diễn các loại nhạc cụ tiêu biểu, đặc trưng trong lễ nghi của cộng đồng người Chăm; tham gia trò chơi dân gian đã gắn bó trong đời sống sinh hoạt thường nhật trong cộng đồng người Chăm; mặc những bộ trang phục truyền thống của người Chăm;  tận mắt chứng kiến những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc điêu luyện trong lối trình diễn nghề truyền thống: thao tác dệt thổ cẩm, nặn gốm và các nghi lễ chính theo phong tục tập quán lâu đời của người Chăm theo đạo Bàlamôn trong ngày Đại lễ Katê: Mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga- Yoni, mặc trang phục nữ Thần, sẽ trình tự diễn ra tại tháp Pô Sha Inư.

Không gian văn hóa Chăm ở Bình Thuận đang hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Hy vọng những địa danh Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với cộng đồng các dân tộc mọi quốc gia trên thế giới.

Lễ hội Katê góp phần làm phong phú cho vườn hoa văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

HỮU CÁN