Canh rau đắng của người Chăm
Canh rau đắng của người Chăm
BT- Bên cạnh món canh rau rừng thập
cẩm (Ia habai njam glai hay Ia bai njam pagok), người Chăm còn có món canh rau
đắng bột gạo (Ia bai njam phik) cũng rất đặc trưng.
Rau đắng mọc rất nhiều ở rẫy, vườn
hoặc bờ ruộng. Rộ nhất là từ tháng 4 đến tháng 7 dương lịch. Canh rau đắng có
tính mát, nếu dùng vào mùa nắng ở Ninh Thuận, Bình Thuận là rất thích hợp.
Gọi là canh rau đắng, cho dù lượng
rau đắng trong nồi canh có thể ít hơn nhiều so với các loại rau khác, như măng
non gọt sẵn, nhưng bởi chính chất đắng của loại rau này làm nên vị riêng của nó.
Khác với các loại canh thập cẩm bột
gạo rau tập tàng, cách nấu canh rau đắng tuần tự như sau: Bắc nồi nước lên cho
nước sôi, ta cho măng (hay cà dĩa xắt lát mỏng) vào cho chín tới. Bỏ cùng với
rau là cá nước ngọt (nếu là cá nước mặn thì bỏ vào sau). Người Chăm ít khi nấu
canh rau đắng với các loại thịt nói chung. Khi cá đã chín, vớt cá lên, lấy hết
xương rồi cho vào nồi lại. Tiếp theo là nêm vào nồi một ít nước mắm nêm, sau đó
khuấy bột gạo đổ vào. Chờ bột gạo chín mới nêm gia vị. Khi tất cả vừa chín, nhấc
nồi xuống, bỏ rau đắng đã rửa sạch, khuấy nhẹ một vòng, cuối cùng cho vào nồi
canh ít lá me non xắt nhỏ với số lượng tùy thích. Muốn cho nồi canh ngon và
không đắng đậm thì người ta tránh khuấy nhiều lần sau khi bỏ rau, đồng thời rau
sẽ có màu xanh tươi hấp dẫn.
Kiều Maily