Du lịch đang tăng trưởng chậm lạ

Du lịch đang tăng trưởng chậm lại

BT- “Các chỉ tiêu du lịch trong 6 tháng đầu năm đều có tốc độ tăng chậm lại, mức tăng thấp hơn so cùng kỳ năm 2012” - Đó là nhận định chung của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận trong cuộc họp vừa qua. Dù cố gắng, du lịch Bình Thuận cũng không thoát ly được đà suy giảm chung của ngành du lịch Việt Nam.

 Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới chưa hồi phục, tác động đến du lịch quốc tế. Ở trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh của đại đa số doanh nghiệp trì trệ, thu nhập giảm sút, việc tổ chức cho người lao động đi du lịch, nghỉ ngơi bị cắt giảm. Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam có xu hướng giảm trong nửa đầu năm nay.

Chỉ có du lịch Đà Nẵng và Nha Trang tiếp tục tăng trưởng tốt, do có sân bay quốc tế Cam Ranh mở đường bay thẳng tới Nga, thu hút khách Nga đến Đà Nẵng - Nha Trang nhiều hơn đến Bình Thuận. Cạnh tranh du lịch biển ngày càng quyết liệt, do các trung tâm du lịch lớn như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Vũng Tàu đều tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch lớn, nhằm thu hút du khách.

Giải lướt ván buồm quốc tế 2012 tổ chức tại Bình Thuận thu hút nhiều du khách đến thưởng thức. Ảnh: Đ.H

Lợi thế lớn nhất của du lịch Bình Thuận là gần TP Hồ Chí Minh, nhưng sức cạnh tranh đang yếu dần, do kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại phục vụ du lịch như sân bay, cảng biển, đường cao tốc chưa có. TNGT đường bộ nghiêm trọng liên tục xảy ra, khiến du khách ngày càng ngần ngại ra Bình Thuận.

Nét khởi sắc của du lịch Bình Thuận nửa đầu năm nay là đường sắt đã đưa vào hoạt động đôi tàu SPT 3, 4 tăng thành 2 đôi tàu mỗi ngày tuyến Phan Thiết - Sài Gòn; đưa vào hoạt động đôi tàu thống nhất TN1, TN2 vận chuyển hành khách từ ga Sông Mao đến ga Sài Gòn và ngược lại, từ ga Sông Mao đến ga Hà Nội và ngược lại, tạo thuận lợi cho du khách đến Bình Thuận. Trong lúc rất nhiều điểm du lịch trên cả nước mang tai tiếng, vì hiện tượng chèo kéo, đeo bám, chặt chém, lừa đảo khách du lịch, đến mức Chính phủ phải mở hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch ở Việt Nam, thì môi trường du lịch ở Bình Thuận  vẫn giữ được sự an toàn - thân thiện trong mắt du khách. Tất nhiên Bình Thuận còn phải cải thiện môi trường du lịch tốt hơn nữa, khắc phục các tồn tại như: thiếu nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch, công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm còn yếu kém, nạn trộm cắp tài sản du khách vẫn diễn ra. Được biết TP Phan Thiết chuẩn bị thành lập 3 trung tâm hỗ trợ du khách, đặt tại ga Phan Thiết, Hàm Tiến và công viên Đồi Dương.

Tóm lại, dù tiếp tục tăng trưởng cả về doanh thu và lượt khách, nhưng tốc độ đang chậm lại. Điều đó không đáng ngại bởi đó là xu thế chung. Vấn đề là trong khó khăn, thách thức, du lịch Bình Thuận phải kiên định chiến lược phát triển của mình, tạo thế và lực cho bước phát triển cao hơn trong các năm tới. Trước mắt để hoàn thành kế hoạch đón 3,5 triệu lượt khách, doanh thu 5.300 tỷ đồng, du lịch Bình Thuận đang tích cực hưởng ứng chương trình kích cầu, tăng cường khuyến mại, thu hút nhiều đối tượng khách đến Bình Thuận.

Đây cũng là thời điểm du lịch Bình Thuận nhìn lại 2 năm rưỡi thực hiện NQ 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến 2015. Bên cạnh nhiều thành tựu, 2 tồn tại cần dồn sức giải quyết, đó là: sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu (chủ yếu nghỉ dưỡng) và kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ du lịch còn yếu kém.

Giải quyết được 2 vấn đề trên, chắc chắn du lịch Bình Thuận sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi kinh tế thế giới và trong nước hồi phục.

ĐẶNG DŨNG