Để xứng tầm là đặc sản quê hương

Để xứng tầm là đặc sản quê hương

BT - Vừa qua, 11 đặc sản của Bình Thuận gồm: nước mắm Phan Thiết; bánh xèo Phan Thiết; bánh căn Phan Thiết; bánh canh chả cá Phan Thiết; cốm Phan Thiết; mực một nắng Phan Thiết; bánh tráng cuốn mắm ruốc Phan Thiết; gỏi cá mai Phan Thiết; bánh hỏi lòng heo Phú Long (Hàm Thuận Bắc); các món ăn chế biến từ dông Bình Thuận và gỏi ốc giác đã được đề cử là những đặc sản của tỉnh tham gia vào hành trình bình chọn TOP đặc sản Việt Nam lần thứ 2 năm 2013. Trước đó, Bình Thuận có 4 đặc sản được chính thức công nhận vào TOP đặc sản và ẩm thực Việt Nam, lần thứ nhất, đó là: thanh long Phú Hội, mực một nắng Phan Thiết, nước mắm Phan Thiết và lẩu thả. Đây là niềm tự hào của mỗi người dân Bình Thuận khi nói về quê hương mình; chắc chắn sẽ có nhiều người con Bình Thuận khi giới thiệu về quê hương mình sẽ chọn cách giới thiệu bạn bè, du khách bốn phương thưởng thức những đặc sản kể trên. Bởi sẽ thật không khó khi tìm những đặc sản nói trên ở những tuyến đường của thành phố Phan Thiết.

Tuy nhiên, một thực tế khiến người ta không khỏi chạnh lòng, khi hầu hết các đặc sản nói trên hiện đang được kinh doanh ở mức độ nhỏ, lẻ. Trên cùng một tuyến đường của thành phố Phan Thiết, có thể sẽ có nhiều cửa hàng, tiệm thức ăn kinh doanh một số món đặc sản trên, có nơi thì chỉ bán 1 món, có nơi từ 2 đến 3 món, nhưng nhìn chung đa số quy mô nhỏ, một số nơi nhếch nhác, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; số lượng cửa tiệm kinh doanh những món đặc sản nêu trên có quy mô tương đối và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm rất ít ỏi. Như vậy, những đặc sản, mang đặc trưng riêng của quê hương Bình Thuận - để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dù chỉ một lần thưởng thức, hiện không được kinh doanh xứng với tầm là đặc sản. Rộng hơn nữa, trong bối cảnh ngành du lịch của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng đang chuyển mạnh theo hướng giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, đặc sản của riêng mình nhằm tạo thế mạnh, thương hiệu thu hút khách du lịch, phải chăng chúng ta đang lãng phí tiềm năng, nội lực của chính mình.

Để đặc sản Bình Thuận được nhiều người thưởng thức, nhiều người biết đến, góp phần phát triển một ngành du lịch mang đặc sắc riêng của tỉnh; cần có một cơ chế, chính sách riêng để phát triển các món đặc sản trên, từ khâu quảng bá đến khâu kinh doanh. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quảng bá; đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ chế biến, kinh doanh những đặc sản trên có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo được những địa điểm kinh doanh gắn với du lịch để khi đến Bình Thuận, du khách trong và ngoài nước sẽ không khó để tìm được đúng địa điểm thưởng thức những đặc sản của tỉnh. Đẩy mạnh việc giới thiệu và hướng dẫn cách chế biến các món đặc sản này tại các khu du lịch, để quảng bá sản phẩm với khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài; đây cũng là một hình thức du lịch thực tế, vừa tạo ra dấu ấn riêng, vừa thu được lợi nhuận kinh doanh.          

 QuỐc TriỀu