Leo đỉnh Phanxipăng

Leo đỉnh Phanxipăng

 Phanxipăng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, đây cũng là ngọn núi cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”. Phanxipăng thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Để chinh phục độ cao và để khám phá sức chịu đựng của bản thân, trong một chuyến rong chơi vào mùa thu, tôi và những bạn bè đã quyết định chinh phục Phanxipăng.

Có 3 cung đường để có thể đặt chân lên đỉnh Phanxipăng. Cung đường dài nhất (khoảng 37km đường núi) xuất phát từ bản Cát Cát của Sa Pa ở độ cao 1.245m. Cung đường dốc nhất bắt đầu đi từ bản Sín Chải ở độ cao 1.260m và cuối cùng là cung đường ngắn nhất (khoảng 16km) ít hiểm trở nhưng cảnh cũng ít đẹp hơn 2 cung đường kia khởi nguồn từ Trạm Tôn (cổng Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn) ở độ cao 1.934m. Đây là cung đường những nhà leo núi nghiệp dư, dân du lịch thường chọn vì ít nguy hiểm và ít tốn thời gian. Nếu đi nhanh có thể đi về trong ngày, còn không hành trình cũng chỉ mất 2 ngày 1 đêm. Không phải là dân chuyên nghiệp và không có nhiều thời gian, vì vậy như nhiều du khách khác chúng tôi quyết định chọn leo Phanxipăng bằng cung đường thứ 3. Vừa bước chân qua khỏi cổng Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, chúng tôi bắt đầu đi xuyên rừng. Khi bước chân đang quen đi đường bằng, nay phải căng ra để leo lên những đoạn dốc cao, bám vào những mỏm đá nhấp nhô, trơn trượt đầy rêu ẩm ướt… là một cảm giác không dễ chịu chút nào. Đi một đoạn ngắn, không khí bắt đầu hanh và khô lạnh. Rừng Hoàng Liên sau buổi sáng giấu mình trong màn sương trắng xóa, đến trưa hiện ra với đầy đủ sự kỳ thú của những loài cây, loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, trong đó nhiều nhất là đỗ quyên với đủ màu sắc rực rỡ. Trong hành trình xuyên qua những đỉnh núi Hoàng Liên, chúng tôi thấy rất nhiều rừng tre, tre kéo dài cả vài cây số rậm rạp, dày đặc, rất dễ bị lạc nếu không có người hướng dẫn đi cùng. Vượt qua rừng tre, tiếp sau đó là những vách đá trơn tuột, những con dốc với bậc thang dựng đứng. Có những đoạn phải gò người, chân dò tìm những gồ đá mới leo lên được, tay quờ tìm chỗ bám trên những rễ cây, lại có những đoạn đường dốc trơn như bôi mỡ, phải đu người bám vào những thân trúc bên cạnh để trượt xuống.

Trên đỉnh Phanxipăng

Khi nhìn thấy một lán trại có ghi độ cao 2.800m cũng là lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Tại lán trại này là điểm nghỉ qua đêm để lấy sức chuẩn bị cho chặng đường lên đỉnh vào ngày mai. Sau 1 ngày leo trèo cơ thể ai cũng đều rệu rã, cái đau thấm vào từng thớ cơ, mỗi lần co chân, duỗi chân đều đau nhừ. Không đủ sức để đi nữa, cũng là lúc trời chạng vạng, lều bạt nhanh chóng được dựng lên, bữa ăn ở lưng chừng độ cao 2.800m dưới cái lạnh tê tái được nhanh chóng chuẩn bị bởi các anh porter người H’Mông. Phải nói thêm, các anh porter là một phần không thể thiếu trong chuyến hành trình của chúng tôi. Nếu không có các anh khuân đồ đạc, lương thực, lều trại thì chúng tôi khó lòng mà di chuyển được qua bao đồi, bao núi như vậy. Không mang giày leo núi, bao tay chống trầy sướt, chỉ với đôi dép nhựa, áo quần phong phanh, các porter vẫn vượt núi dễ dàng dù đồ đạc của khách trĩu nặng trên lưng. Vừa là người dẫn đường, khuân đồ, các porter còn thường xuyên dìu, kéo hỗ trợ chúng tôi qua những con dốc cao đầy trơn trượt.

  Đêm ở dãy Hoàng Liên Sơn nhiệt độ xuống thấp hơn rất nhiều so với ban ngày. Dù đã mặc 3-4 lớp áo, chui vào trong túi ngủ, nhưng chúng tôi vẫn rùng mình vì cái lạnh của núi rừng nơi đây. Chúng tôi hầu như nằm bất động trong túi ngủ vì trở mình cũng đau, cơ thể rệu rã sau 1 ngày vận động liên tục. Giấc ngủ giữa trời lạnh giá, đầy mộng mị ở lưng chừng độ cao, xen lẫn đâu đó có tiếng âm u của núi rừng vang lại, và câu chuyện của những người bạn đường kể cho nhau nghe về những người đã tử nạn giữa đường vì rớt núi khi chưa kịp leo lên đỉnh Phanxipăng. Dù vậy, Phanxipăng vẫn là một giấc mơ để chinh phục của nhiều người trẻ, trong đó có chúng tôi. Sáng sớm, khi cái lạnh vẫn làm ai nấy run lên cầm cập, cơ thể vẫn còn mỏi nhừ và đau nhức, sau bữa ăn sáng do các anh porter chuẩn bị, cả đoàn lại hăm hở lên đường tiến về phía trước.

Núi rừng trùng điệp của dãy Hoàng Liên Sơn

Lại vượt qua những đoạn rừng tre mờ mịt bao phủ bởi màn sương sớm, những đỉnh dốc cao, dài tít tắp. Càng lên gần đỉnh, đường leo càng khó và hầu như thẳng đứng. Cả đoàn không ai nói với ai lời nào, cứ cúi gằm người, ráng hết sức vượt qua từng con dốc, rồi bất ngờ và vỡ òa khi ai đó hét lên: “đến đỉnh rồi”. Nơi đó, chỉ là một mỏm núi cao, nhọn và kiêu hãnh vượt lên xung quanh, được đánh dấu bằng cái chóp tam giác làm bằng bạc. Mọi người chia nhau khoảnh khắc được mỉm cười đầy tự hào, sờ nắm thậm chí cả ôm hôn cái chóp bạc đánh dấu mốc đã lên đến đỉnh, như một dấu ấn cho nỗ lực chiến thắng chính bản thân mình. Cảm giác phấn khích ấy còn theo mãi, khiến chặng đường về tưởng như rất dài, rất xa đã được rút xuống chỉ trong một buổi.

Những bậc thang dựng đứng trong quá trình leo Phanxipăng

Giờ đây, tôi vẫn còn nhớ mùi lá mục nơi con suối nhỏ chảy róc rách trong rừng tre giữa dãy Hoàng Liên Sơn, nhớ những vạt hoa đỗ quyên tím, đỗ quyên đỏ mọc đầy triền núi, nhớ cảm giác vỡ òa niềm vui và xúc động trên “nóc nhà Đông Dương” và tự nhủ một ngày không xa, nhất định sẽ trở lại Phanxipăng để lại được khám phá và chinh phục bản thân mình.

Bích Phượng