Nghề bánh tráng

Nghề bánh tráng

BT- Xuất thân từ một gia đình nông dân, khi còn nhỏ do nhà nghèo, chị Lương Thị Riêm, sinh năm 1948, ngụ tại khu phố Phú Thịnh, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc phải nghỉ học, để phụ giúp cha mẹ, chị đến làm thuê cho một lò bánh tráng tại địa phương. Vì vậy, chị thường quan sát, theo dõi các công đoạn làm tráng bánh.

Năm 20 tuổi chị Riêm lập gia đình, mở một lò bánh tráng và tự kinh doanh. Mới đầu vốn thiếu, kinh nghiệm chưa nhiều và thị trường đầu ra chưa có… nhưng với lòng yêu nghề và quyết tâm tạo lập cuộc sống, vợ chồng chị không ngại gian nan, vất vả, thức khuya, dậy sớm hàng ngày chủ và thợ luôn tất bật từ khâu lựa chọn gạo, làm gạo, ngâm gạo, xay bột, pha chế bột, tráng bánh và phơi bánh, đến tiêu thụ… nhưng càng vất vả hơn mỗi khi đang phơi bánh gặp trời mưa. Điều may mắn là chồng chị, anh làm rẫy, tuy không cùng sở thích nghề nghiệp nhưng luôn ủng hộ, tạo điều kiện giúp chị, điều này càng làm cho chị quyết tâm với nghề. Mặt khác, ngoài việc quán xuyến lò bánh, đôi lúc chị hỗ trợ chồng làm rẫy, chăm lo việc học cho con. Chính vì vậy, gia đình chị đã có được niềm vui, cậu con trai đã tốt nghiệp Đại học kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, có việc làm ổn định, nhận nuôi một cháu do cha mẹ không được may mắn, cũng là bác sĩ tốt nghiệp Trường Đại học y dược Tp. Hồ Chí Minh.

Năm 2004, từ chủ trương duy trì và phát triển làng nghề sản xuất bánh tráng truyền thống, chị Lương Thị Riêm đã chuyển đổi công nghệ sản xuất bánh tráng từ thủ công sang làm bằng máy, việc này đã giải quyết được lao động nhàn rỗi ở nông thôn và lao động thời vụ. Được chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức tham quan học hỏi công nghệ sản xuất bánh tráng tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Sau chuyến tham quan lòng yêu nghề trong chị càng mãnh liệt, ý chí quyết đầu tư quy trình sản xuất bánh tráng đồng bộ bằng máy. Nhưng để có cơ sở máy móc hoàn chỉnh sản xuất hiệu quả như hôm nay, chị đã phải trải qua 3 lần đổi máy, chiếc máy lần thứ 3 vào năm 2009 với tổng vốn đầu tư 120 triệu đồng. Công suất một ngày đạt được 20.000 cái bánh, sử dụng hết 400 kg gạo và 150 kg mè (nếu sản xuất bánh tráng mè), với lượng bánh tiêu thụ hàng ngày bình quân 10.000 cái, cung cấp thị trường chủ yếu trong tỉnh. Một tháng làm 20 ngày, những ngày còn lại để sửa chữa tu bổ máy móc, phương tiện, dụng cụ sản xuất.

Chị Lương Thị Riêm cho biết, thu nhập bình quân từ sản xuất bánh tráng của gia đình từ 150 – 170 triệu đồng/năm, riêng mỗi lao động từ 110.000 – 120.000 đồng/ngày. Ngoài tạo việc làm ổn định cho 17 – 20 lao động, chị còn tham gia nhiệt tình các phong trào của địa phương, đóng góp các hoạt động từ thiện xã hội, các nguồn quỹ và giúp đỡ cho gần 20 hộ luân phiên nhau với tổng số tiền 320 triệu đồng để các hộ đầu tư sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cùng làm nghề bánh tráng.

AT