Ô nhiễm môi trường – thách thức

Ô nhiễm môi trường – thách thức và trách nhiệm

BT- Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng trở nên nghiêm trọng do sự phát triển kinh tế - xã hội, đang trở thành mối đe dọa cuộc sống con người và môi trường sinh thái. Giải quyết vấn đề này đang là một thách thức gay gắt và là trách nhiệm của mọi người. 

Đoàn viên thanh niên Phan Thiết thu gom rác tại công viên Đồi Dương

Thực trạng môi trường ô nhiễm

Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên được các cấp, các ngành quan tâm hơn; nhận thức về BVMT trong cộng đồng dân cư có chuyển biến. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái môi trường, các điểm nóng môi trường phát sinh ở nhiều địa bàn; việc khắc phục ô nhiễm môi trường do sản xuất và sinh hoạt gây ra còn chậm. Vệ sinh môi trường ở một số khu dân cư chưa bảo đảm, nhất là khu vực ven biển. Các hoạt động khai thác tài nguyên trái phép gây lãng phí, suy giảm tài nguyên rừng còn xảy ra nhiều nơi. Tại các khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế… nhiều điểm nóng về môi trường bước đầu đã được xử lý. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp, đến nay đã có 4 khu công nghiệp đang triển khai các thủ tục đầu tư; 2 khu công nghiệp đang xây dựng; 2 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung như: Khu công nghiệp Phan Thiết 1 (hệ thống xử lý nước thải công suất 1.000m3/ngày đêm); Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 (công suất 2.000m3/ngày đêm). Toàn tỉnh có 40 cụm công nghiệp (CCN) được đưa vào quy hoạch đến năm 2015, trong đó 4 CCN đang hoạt động là Khu chế biến hải sản Cảng cá Phan Thiết (có trạm xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm); Cảng cá La Gi (trạm xử lý nước thải công suất 360m3/ngày đêm); Khu chế biến hải sản nam Cảng cá Phan Thiết, CCN nước mắm Phú Hài đã đi vào hoạt động và hiện đang đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. 21 làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đều chưa có hệ thống xử lý chất thải riêng. Đối với các cơ sở y tế đã từng bước đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế và nước thải. Hiện có 5 cơ sở y tế được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trong năm 2013 các bệnh viện còn lại sẽ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn chưa nghiêm túc thực hiện các biện pháp BVMT như: thu gom xử lý nước thải, chất thải, rác thải chưa đạt chuẩn. Ý thức của một số người dân ở các khu dân cư còn hạn chế trong việc chấp hành các quy định BVMT nơi công cộng.  

Những khó khăn, vướng mắc

Hai năm gần đây các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác BVMT có nhiều động thái tích cực. Trong năm 2011-2012 cơ quan có thẩm quyền đã thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 33 dự án; xem xét cấp 144 sổ đăng ký chủ nguồn thải, chất thải nguy hại, thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp hơn một tỷ đồng. Công tác kiểm tra được tăng cường, đã tiến hành 15 đợt kiểm tra, giám sát các biện pháp BVMT tại 130 cơ sở, trong đó tập trung là cơ sở du lịch, chế biến hải sản, chăn nuôi, bệnh viện và các điểm nóng về môi trường. Qua kiểm tra phát hiện 23 cơ sở vi phạm. Việc xử lý vi phạm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kiên quyết hơn, kể cả áp dụng các hình thức ngưng sản xuất, di dời hoặc yêu cầu đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn. Mặt khác, cơ quan chức năng đã lấy mẫu tại 12 điểm nóng về môi trường có đơn khiếu kiện trên địa bàn tỉnh và khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai. Tại các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường cho 193 dự án. Tuy nhiên, số lượng công việc nhiều nhưng biên chế ít, các xã, phường, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách về môi trường; cán bộ làm công tác môi trường chưa được bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên; nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu, chưa huy động được các nguồn lực trong xã hội tham gia bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT chưa sâu rộng, một số lĩnh vực công tác quản lý‎, kiểm tra còn chồng chéo, giải quyết khiếu nại của nhân dân chưa thỏa đáng, nhất là các công trình xử lý chất thải y tế, chất thải rác sinh hoạt chưa được xây dựng do thiếu vốn, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Hiện nay chưa có đơn vị nào đầu tư xử lý chất thải nguy hại, do vậy chất thải nguy hại chủ yếu là lưu trữ hoặc thu gom chung với chất thải rác thông thường, sau đó hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, xử lý. Không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chú ý công tác BVMT…  

Giải pháp và kiến nghị

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, đối với cơ quan nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân loại các nguồn gây ô nhiễm, các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm… để có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đồng thời, sớm triển khai xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải tập trung cho khu sản xuất tập trung, làng nghề, khu dân cư; các khu du lịch, các cơ sở kinh doanh khác phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tăng cường thu gom rác thải ven biển, nhất là khu dân cư nằm gần điểm du lịch, di tích văn hóa; chú ý thu gom, xử lý chất thải y tế; quy hoạch xây dựng các bãi chôn rác hợp vệ sinh và xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Hình thành bộ phận quản lý môi trường nằm trong Ban quản lý các khu công nghiệp; thực hiện quy định tự giám sát, báo cáo định kỳ chất lượng môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý môi trường trên sông, biển; ngăn chặn tình trạng xả rác thải trên biển từ các phương tiện hoạt động giao thông - vận tải biển. Mặt khác, các địa phương cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, sản xuất thân thiện với môi trường để phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh như: Tiết kiệm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, hạn chế phát sinh chất thải ảnh hưởng đến môi trường sức khỏe cộng đồng.

LÊ THANH