Bình Thuận là điểm đến an toàn t

Bình Thuận là điểm đến an toàn thân thiện với du khách

BTO- Sáng nay (ngày 6/6) Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch tại Việt Nam, do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì. Trong 07 tỉnh – thành tham luận tại Hội nghị, UBND tỉnh Bình Thuận đã có tham luận về các biện pháp kiểm soát giá cả trong hoạt động du lịch tại địa phương. Báo Bình Thuận Online xin trích đăng tham luận trên:

 Thời gian gần đây, nạn "chặt chém" du khách diễn ra khắp nơi được các cơ quan truyền thông đại chúng đăng tải rộng khắp, dư luận lên án mạnh mẽ. Hành vi lừa gạt, “chặt chém” du khách không chỉ gây thiệt hại về tài sản và sự bức xúc cho du khách mà còn để lại dấu ấn khó phai, làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt du khách quốc tế và đưa tới những hậu quả nặng nề cho ngành du lịch.

Du khách nước ngoài ở Bình Thuận. Ảnh: Q.T

Tình trạng lừa gạt, “chặt chém” khách du lịch hầu như đều có ở tất cả các trung tâm du lịch ở trong nước và diễn ra thường xuyên. Vào dịp lễ, tết hoặc các sự kiện lớn, nhu cầu của du khách về buồng phòng và sử dụng các dịch vụ tăng cao, nguồn cung có giới hạn nên tình trạng các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch lợi dụng tăng giá phòng, giá dịch vụ vận chuyển, ăn uống, giá bán các mặt hàng lưu niệm, hàng đặc sản ở địa phương vẫn thường xảy ra. Tăng giá nhẹ (dưới 50%) trong thời điểm đó thì không vấn đề gì, khách vẫn chấp nhận được nhưng tăng giá quá cao đến mức như “chặt chém” hoặc lừa gạt sẽ tạo ấn tượng không tốt cho du khách và tác động xấu đến sự bền vững của hoạt động du lịch.

Bình Thuận là một trong những điểm đến du lịch được đánh giá là có môi trường xã hội khá an toàn, thân thiện đối với khách du lịch.

Trong những dịp lễ, tết hay các sự kiện lớn tổ chức ở tỉnh, giá cả hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch khá ổn định.

- Giá phòng resort và khách sạn nhìn chung không tăng, chỉ một số khách sạn, resort hạng 1 sao, nhà nghỉ du lịch và nhà trọ tăng giá phổ biến ở mức 30% – 50%, khách chấp nhận được;

- Giá dịch vụ ăn uống tăng từ 20%- 30%;

- Giá dịch vụ vận chuyển hầu như không tăng;

- Giá các mặt hàng hải sản tươi sống phục vụ mua sắm của khách tăng khá cao từ 50% – 100% do cung không đủ cầu.

Hầu hết các doanh nghiệp du lịch ở Bình Thuận đều quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình để duy trì hoạt động kinh doanh trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay nên việc tăng giá phòng, giá dịch vụ theo kiểu “chặt chém” đối với khách là không thể xảy ra. Chỉ một vài trường hợp tăng giá nhưng không phổ biến, chủ yếu là giá phòng nhà nghỉ, nhà trọ và giá bán các mặt hàng hải sản tươi sống phục vụ mua sắm về làm quà của du khách.

Những biện pháp quản lý, kiểm soát

- Về kinh tế: Bình Thuận tập trung khai thác tài nguyên, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và thu hút nhiều đối tượng khách du lịch quốc tế, nội địa đến Bình Thuận trong suốt các tháng trong năm, các ngày trong tuần. Do không có mùa thấp điểm, thu nhập của doanh nghiệp du lịch và các hộ dân kinh doanh dịch vụ phục vụ khách được thường xuyên hơn, vì vậy không làm nảy sinh tâm lý “chặt chém” du khách để bù đắp khoản lỗ ở giai đoạn thấp điểm như ở một số điểm du lịch khác trong nước.

- Về giáo dục: Du lịch Bình Thuận tuy có một số nhân tố lợi thế nhưng so với các trung tâm du lịch khác trên cả nước, Bình Thuận gặp trở ngại lớn về giao thông đối ngoại, vì vậy, để thu hút du khách, Bình Thuận phải nỗ lực trong việc xây dựng điểm đến với sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sự khác biệt với các trung tâm du lịch khác, môi trường xã hội phải thật sự an toàn, thân thiện và tin cậy cho du khách. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên về vai trò, vị trí của du lịch đối với kinh tế, xã hội của địa phương; về sự tác động tích cực của du lịch đến đời sống dân cư và ngược lại sự tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch do các hành vi không tốt của dân cư đối với khách… nhận thức của cộng đồng dân cư trong kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch đã ngày càng tốt hơn, các hành vi nâng giá, “chặt chém”, lừa gạt du khách được hạn chế đáng kể. Việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết được hầu hết các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch chấp hành, thực hiện nghiêm túc.

- Về công tác quản lý nhà nước: UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-UBND về bảo đảm môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan đối với với việc đảm bảo các mặt ANTT, VSMT, VSATTP, giá cả trong hoạt động du lịch nhằm xây dựng Bình Thuận thật sự là điểm đến an toàn, thân thiện và tin cậy đối với du khách. Riêng vào các dịp lễ, tết hay các sự kiện lớn tổ chức ở tỉnh, để quản lý, kiểm soát tình hình giá cả hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch, với chức năng là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng có chức năng của tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các qui định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, bảo đảm chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa cung cấp cho du khách trong những ngày cao điểm và xử lý đúng qui định pháp luật các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu du lịch của Bình Thuận, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thực hiện bình ổn giá và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ khách, chỉ đạo các đơn vị có chức năng tăng cường công tác theo dõi, thu thập thông tin, nắm tình hình và kiểm tra, xử lý theo quy định khi có phản ảnh của du khách thông qua đường dây nóng về “chặt chém”, lừa gạt, bán hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng.

 Một số kiến nghị, đề xuất

Ở góc độ quốc gia, giá cả hàng hóa, dịch vụ tại một điểm đến chỉ là một trong nhiều yếu tố cần thiết để thu hút du khách nhất là khách quốc tế. Chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam hiện chưa tốt nhưng bình quân giá tour lại cao hơn các nước khác trong khu vực từ 20- 30%, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam rất yếu, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực mặc dầu sản phẩm du lịch Việt Nam không hề thua kém.

- Để du lịch phát triển bền vững cần có sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp vĩ mô và được sự đồng thuận, chia sẻ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch gồm: lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, mua sắm...và nhất thiết phải chấm dứt nạn lừa đảo, “chặt chém” du khách trên phạm vi toàn quốc. Các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư kinh doanh các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch cần xem mỗi du khách là người đem lại công ăn, việc làm, thu nhập cho mình, phải được đón và phục vụ chu đáo. Có như vậy mới xây dựng được hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện và mến khách trên thị trường du lịch quốc tế.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ cho chủ trương thành lập lực lượng Cảnh sát Du lịch, kịp thời kiểm tra, giải quyết, xử lý các phản ảnh của du khách về “chặt chém”, lừa gạt, bán hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng. Các hành vi lừa đảo, “chặt chém” du khách phải được xử lý hình sự căn cứ vào tính chất hành vi, giá trị tài sản chiếm đoạt.

 P.V