Mưa về và thú đào dông
Mưa về và thú đào dông
BT- Bình Thuận đa phần đất pha cát,
loại đất mà dông - một loài bò sát rất thích ở, làm hang trong lòng đất.
Ngoài dông thềm rất lớn sống ở những
động cát ven biển, dông sống đại trà ở những nơi khác to lắm cũng chỉ nhỉnh hơn
ngón chân cái người lớn. Mùa nắng, dông dấu mình trong hang, ăn dần đuôi của
mình để tồn tại. Khi mưa rớt hạt, dông ra khỏi hang, ăn cỏ non dưỡng lại phần
đuôi và tiếp tục làm công việc duy trì nòi giống. Dông rất sợ giông sét, mỗi
khi trời chuyển, dông lập tức chui vào hang. Hang dông không sâu, nhưng ngoằn
ngoèo. Khi vào hang, dông để lại trên miệng hang lớp đất ùn, do đó rất dễ phát
hiện.
|
Bắt dông. Ảnh: Minh Vân |
Dò (ngoáy) dông là việc mà lũ trẻ
rất thích. Chỉ cần cây roi nhỏ, mềm cho vào hang ngoáy ngoáy, sau đó dùng tay
cào nhẹ trên miệng hang, dông sợ rắn sẽ bò ra. Đào dông đơn giản nhưng hiệu quả
hơn. Mùa mưa đất cát rất mềm, cứ vác cuốc đi rảo rảo thấy hang có đất ùn là đào,
vừa đào vừa lần theo vết đất ùn, hang rẽ phía nào đào theo phía ấy. Cuối cùng
con dông cũng lộ diện.
Mùa hè đối với trẻ em nông thôn
thường gắn với những thú vui dân dã: bắt dế, câu cá, bắt chim... ở Bình Thuận có
thêm thú ngoáy dông, bẫy dông. Đây là những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ và chính
những kỷ niệm này sẽ hun đúc tình quê hương nồng thắm trong tâm hồn các em.
NGÔ VĂN TUẤN